Theo nhiều định nghĩa thì đèn hazard là loại đèn xi nhan được thiết kế dạng chớp tắt, gồm 4 đèn, 2 đèn phía trước và 2 đèn phía sau. Cụm đèn này có công dụng thông báo cho những xe đi ngược chiều và xe phía sau về sự nguy hiểm cũng như việc để các xe đó lưu ý phòng trường hợp xảy ra va chạm. Do là loại đèn cảnh bảo nên nút này luôn ở những chỗ cực kỳ dễ quan sát, cụ thể là ngay trên phần tap-lô. Ký hiệu của nút bấm này đó là hình tam giác màu đỏ.
Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều tài xế lại lầm tưởng đây là loại đèn ưu tiên và sử dụng vô tội vạ, sai mục đích như vượt xe khác, vượt ngã tư hay thậm chí dùng nó như một công cụ để ra oai. Bên cạnh đó, mỗi khi đèn hazard được bật sáng, các tài xế thường rất hay phóng nhanh vượt ẩu. Nếu các xe không kịp tránh thì va chạm giao thông là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trên thực tế, chưa có văn bản pháp luật quy định về cách sử dụng đèn khẩn cấp và xử lý vi phạm đối với việc sử dụng đèn khẩn cấp. Vậy nên theo nhiều thông tin tổng hợp thì đèn hazard sẽ được sử dụng trong các tính huống sau:
Trường hợp 1: Xe đang gặp sự cố và bắt buộc phải đỗ trên đường
Khi lưu thông trên đường quốc lộ, đường cao tốc, nếu gặp sự cố bất ngờ như xe hư hỏng, bị tai nạn và không thể tiếp tục di chuyển đến nơi dừng đỗ đúng quy định, buộc phải đỗ lại trên đường. Với trường hợp này, người lái xe cần phải bật đèn cảnh báo nguy hiểm để các phương tiện khác chú ý tránh xe mình để không xảy ra tai nạn va chạm đáng tiếc.
Tuy nhiên, ngoài việc bật đèn cảnh báo này thì chủ xe cần phải chủ động thêm đặt thêm các dấu hiệu tạo sự cảnh báo từ xa như bảng phản quang có hình tam giác lùi lại cách đuôi xe dừng ít nhất là 20 mét, hoặc các đèn nháy nếu có. Điều này cũng được quy định trong luật an toàn giao thông.
Trường hợp 2: Xe đang di chuyển trong trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp
Khi bạn đang lái xe nhưng gặp trường hợp bất ngờ không thể điều khiển xe tấp vào lề, hoặc vì một trường hợp nguy hiểm nào đó buộc phải đi chậm thì cần phải chuyển vào làn bên, đi với tốc độ thấp và bật đèn cảnh báo để ra hiệu cho các xe phía sau.
Ngoài ra, khi xe bạn đang được kéo bởi một xe khác không chuyên dùng cũng nên bật đèn cảnh báo để các phương tiên lưu thông phía sau nhận biết để hạn chế các va chạm không đáng có có thể xảy ra trên đường đi.
Hoặc trong một số trường hợp bắt buộc phải dừng tại vị trí cấm dừng, cấm đậu xe người lái xe cũng phải bật đèn hazard cũng như đặt các vật có tác dụng cảnh báo từ xa để có thể xử lý sự cố một cách an toàn mà không làm ảnh hưởng tới người khác.
Thêm nữa, khi lùi xe ở khu vực đông dân cư hoặc lùi xe từ trong đường nhỏ băng ra đường lớn, Các tài xế cũng nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm để mọi người lưu thông chú ý, hoặc có thể xem như là dấu hiệu xin đường hay cảm ơn.
Trường hợp 3: Dừng trên đường khi thiếu ánh sáng, trong đêm tối
Vào buổi tối, trên các cung đường tỉnh hay quốc lộ thường thì đèn đường khá ít, thường thiếu sáng, lúc này nếu bạn cần dừng xe vào ban đêm bên đường thì buộc phải bật đèn hazard để báo hiệu cho các phương tiện đang lưu thông phía sau thấy được, tránh xảy ra va chạm, tai nạn không mong muốn.
Trường hợp 4: Xe chở người bệnh cấp cứu
Trong trường hợp không có xe cấp cứu, người dùng có thể sử dụng xe cá nhân để chuyển bệnh, lúc này lái xe có thể bật đèn khẩn cấp để thể hiện sự gấp gáp. Lưu ý trong trường hợp này đèn khẩn cấp chỉ mang ý nghĩa cảnh báo không phải là đèn ưu tiên mà bắt buộc người khác phải nhường đường.
Ngoài ra dù xe bạn đang chở người cấp cứu và có bật đèn cảnh báo thì cũng phải chấp hành lưu thông theo quy định như bình thường. Trong một số trường hợp nếu bạn vi phạm một số luật giao thông không đáng kể và có bằng chứng chứng minh bạn đang chở người cấp cứu sẽ không bị xử phạt.
Trường hợp 5: Phương tiện đi theo đoàn
Với những đoàn xe như đám tang, triển lãm, diễu hành, quảng cáo,… và khi di chuyển theo đoàn vẫn có thể mở đèn cảnh báo để xin đường, tuy nhiên sẽ không có quyền ưu tiên nào cho những đoàn xe này. Ngoài ra với những đoàn xe này buộc phải có giấy phép lưu thông, nếu không vẫn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp 6: Lưu thông trong điều kiện thời tiết xấu, nguy hiểm
Khi di chuyển trong điều kiện thời tiết có chuyển biến xấu, sương mù dày đặc và tầm nhìn xuống chỉ còn vài mét hoặc mưa lớn đến mức không thể quan sát thì lúc này các tài xế nên sử dụng đèn khẩn cấp để tạo sự chú ý của xe lưu thông phía sau.
Lúc này, ngoài việc bật đèn cảnh báo người cũng cũng nên điều chỉnh tốc độ phù hợp để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp thời tiết quá xấu, trời tối không đủ điều kiện an toàn để lái xe thì người dùng nên dừng lại bên đường và bật đèn khẩn cấp và đợi chi thời tiết ổn rồi hãy tiếp tục lái xe.