Những ngày này, nhiều nơi đang trải qua những ngày oi nóng, có nơi nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Nhiệt độ bên trong cabin ô tô có thể cao gấp đôi do “hiệu ứng nhà kính”. Theo trang Driver Knowledge Tests, khi ngoài trời 35 độ C, trong xe có thể nóng tới 65 độ C, vô lăng, táp lô có thể còn cao hơn thế.
Theo GSF Car Parts, nhiều người coi ô tô như là nơi chứa mọi thứ họ không muốn mang theo. Nhưng thực tế, điều này rất nguy hiểm, ngay cả những món đồ tưởng như vô hại nhất. Một số thứ có thể phát nổ, bốc cháy hoặc ở mức độ nhẹ nhàng hơn là làm bẩn xe.
Nước đóng chai
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất để chai nước trong túi bọc, hộc để đồ, trong ngăn đá nếu xe có trang bị, hoặc đựng nước trong các bình tái chế không sử dụng vỏ nhựa.
Nếu ai từng uống nước đóng chai để ngoài trời nắng nóng có thể cảm nhận được vị đã “khang khác”. Nguyên nhân chính là khi nhiệt độ tăng lên, hóa chất từ chai nhựa có thể thấm vào nước. Ngoài ra, chai nhựa trong suốt cũng tựa như một tấm kính phản xạ lại ánh nắng, có thể đủ để bắt lửa.
Kính mắt
Nhiều người đã biết không nên để kính trong ô tô khi trời nắng, nhưng mọi người lại thường quên kính mắt cũng là một mặt kính.
Nếu để kính trong xe trong thời gian dài, chúng sẽ bị nóng, gọng kính có thể bị cong hoặc tệ hơn là phản xạ ánh nắng có thể dẫn đến cháy. Nên để kính trong hộp hoặc mang theo bên người.
Pin, sạc dự phòng
Nhiệt độ có thể phá vỡ cấu trúc pin và khiến rò rỉ axit. Axit pin có tính ăn mòn, không chỉ nguy hiểm khi tiếp xúc bằng da, mà hít phải hơi axit cũng rất nguy hiểm. Nếu phát hiện nổ pin trong xe, phải vệ sinh càng sớm càng tốt.
Ngay cả khi không bị rò rỉ, pin cũng có thể bị “chai” do nhiệt độ cao. Do đó, tốt nhất nên mang theo pin vào trong nhà.
Bật lửa
Khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn 30 độ C, nhiệt độ bên trong xe bị phơi nắng có thể lên tới 50 - 60 độ C, rất dễ xảy ra cháy nổ.
Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra đặt bật lửa ở nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào, chỉ 12 phút là có thể phát nổ. Bởi vì khí trong bật lửa chủ yếu là butan lỏng, dễ cháy và nổ.