Năm 2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), với cam kết miễn giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa thông thường và có lộ trình miễn giảm thuế quan đối với hàng hóa nhạy cảm cáo.
Năm 2018, Việt Nam thực hiện bỏ thuế xe nhập đối với các nước trong AEC theo đúng cam kết trong lộ trình và từ chỗ chịu thuế từ 40%, xe xuất xứ từ Thái, Indonesia không phải chịu thuế ở Việt Nam. Hiện tượng bùng nổ xe các nước ASEAN trên thị trường Việt Nam đã bắt đầu, xe có nguồn gốc Thái Lan, Indonesia đánh bật xe từ các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc ở Việt Nam, chiếm từ 70 đến 80% lượng xe nhập khẩu về Việt Nam.
Lượng nhập về nhiều, song cái người dân cần là các nhà nhập khẩu giảm giá bán xe tương ứng với thuế nhập khẩu từ 40% xuống 0% chưa được rõ ràng. Giá xe nhập vẫn cao, thậm chí có nhiều mẫu xe nhập đã bảo lưu giá xe như các năm trước để đạt giá trị lợi nhuận tuyệt đối.
Theo các chuyên gia về ô tô, sở dĩ việc bỏ thuế nhập không giúp giá xe tại Việt Nam giảm đi bởi vì thị trường xe Việt vẫn mang tính độc quyền tự nhiên, các hãng xe nhập cũng là các liên doanh lắp ráp xe hơi chi phối phần lớn thị trường xe, đơn cử như Toyota, Honda, Ford...
Chính vì vậy, giảm giá xe nhập đồng nghĩa với xung đột lợi ích với các liên doanh xe trong nước, điều này không tốt cho các hãng xe Toyota, Honda và Ford... Đây được xem là nguyên nhân khiến xe nhập từ ASEAN được bỏ thuế nhưng không giảm giá ở Việt Nam.
Việc xe ASEAN tràn ngập Việt Nam kể từ khi bỏ thuế năm 2018 đã khiến thị trường xe Việt bùng nổ, đa dạng và cạnh tranh hơn. Điều này tạo áp lực lớn đối với các hãng xe trong nước trong việc giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và mở rộng thị trường. Lần lượt các hãng, doanh nghiệp xe hơi trong nước như Thaco, Thành Công hay VinFast bắt buộc phải tham gia cuộc chơi giảm giá, đa dạng các mẫu xe.
Thị trường xe hơi Việt Nam từ chỗ là sân chơi của các hãng xe liên doanh, đã xuất hiện nhiều hãng xe sản xuất, lắp ráp đến từ Việt Nam cạnh tranh và chia lại thị trường. Các phân khúc xe như sedan, SUV, CUV hay MPV phát triển nhiều hơn, đa dạng hơn và có mức giá giảm hơn so với trước.
Theo cam kết về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Việt Nam cam kết sẽ giảm thuế nhập từ 67% đến 74% xuống ngưỡng 0% vào năm thứ 9 và thứ 13 (riêng Nhật Bản là năm thứ 7) trở đi.
Đây được coi là tín hiệu vui cho người tiêu dùng, nhưng cũng là thách thức đối với các hãng, doanh nghiệp xe tại Việt Nam bởi nó đồng nghĩa với miếng bánh thị trường bị chia nhỏ hơn, độc quyền về lợi nhuận thị trường không còn nằm trong tay một hoặc vài hãng xe nữa.
Để gia tăng sức mạnh, Chính phủ đã ban hành vừa lên kế hoạch đưa nhiều chính sách ưu đãi cho xe trong nước. Cụ thể là miễn giảm thuế nhập linh kiện cho xe lắp ráp trong nước, tiến tới miễn, giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe xanh, xe có tỷ lệ nội địa hóa cao. Điều này được kỳ vọng có thể giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của xe Việt tại sân nhà hoặc sân chơi khu vực.
Hiện, thuế nhập khẩu cho các dòng xe nhập từ EU như Đức, Thụy Điển, Pháp hay các thị trường CPTPP như Nhật, Úc, Mehico về Việt Nam đều từ 67% đến 74%. Theo cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình, mỗi năm Việt Nam sẽ cắt giảm bình quân từ 6-7% thuế suất thuế cho các dòng xe, việc cắt giảm thuế nhập khẩu có thể sẽ tác động lớn đến giá xe trên thị trường, nhất là khi các hãng xe Đức, Nhật, Pháp và Úc có lợi thế về quy mô và năng lực cao hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Quy, Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu xe châu u ở Việt Nam, thị trường xe Việt đang được kỳ vọng rất lớn bởi giá xe cao, nhu cầu xe lớn. Cụ thể như, bình quân xe/người tại Việt Nam chỉ khoảng 23 chiếc/1.000 người (năm 2019), thấp nhất trong khu vực, trong khi đó nhu cầu xe cao, thu nhập bình quân/người tại Việt Nam đang tăng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế nhanh hàng đầu châu Á... Điều này giúp kỳ vọng lợi nhuận cho ngành xe tại Việt Nam đang cao nhất tại ASEAN.
"Biên lợi nhuận rất lớn do giá xe cao, thị trường đang ở trạng thái chưa phát triển toàn diện, nhu cầu xe lớn... là những điều kiện cần để giúp các nhà nhập khẩu xe hơi châu u, Nhật, Úc tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với họ là thể chế chính sách, niềm tin tiêu dùng và đặc biệt là địa điểm kinh doanh. Tại các đô thị lớn, những khu đất vàng đều có sự hiện diện của các hãng xe tồn tại lâu năm, nếu các hãng xe EU muốn mở chi nhánh, đại lý mới sẽ phải làm lại từ đầu, điều này là thách thức cho họ", ông Quy nói.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm, cộng với uy tín về chất lượng, có vốn dài hạn và người tiêu dùng Việt có tư tưởng "sính ngoại" vì thế, nhiều khả năng các hãng xe nhập sẽ sớm làm quen và thành công tại thị trường Việt Nam nhanh hơn.
Một số chuyên gia về xe hơi tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam "mở bung cửa" bằng việc bỏ 70% thuế xe nhập, lợi thế của các hãng xe nhập từ EU rất lớn và người tiêu dùng Việt có thể được tận hưởng thời của xe hơi giá rẻ trong 10 năm tới. Nhưng, đứng ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tại Việt Nam, cam kết mở hoàn toàn cánh cửa vào thị trường đồng nghĩa với thách thức mọi mặt cho sự tồn tại và phát triển.
Nếu các hãng xe tại Việt Nam muốn tồn tại được và không sợ bị lép vế bởi xe ngoại không thuế, điều họ cần phải làm là tối đa hóa lợi nhuận và chi phí, lấy được niềm tin người tiêu dùng thông qua xây dựng chất lượng xe và quan tâm đến chính sách hậu bán hàng.
Theo Dân Trí