Theo khảo sát, đa số ý kiến bình luận trên mạng xã hội đều phản đối đề xuất loại bỏ xăng A95 thay bằng hai loại xăng sinh học vì nhiều lý do, nổi bật trong đó và vấn đề về chất lượng và quyền lựa chọn.
Khẳng định xăng A95 tốt hơn về chất lượng
Độc giả có tên Bùi Tiến Dũng làm phép so sánh: “Em đi thử cả E5 và A95 thì em thấy khi chạy xa, chạy liên tục thì nên chọn A95 cho nó mát máy hơn, máy đỡ ồn hơn còn khi đi lại quanh quanh vài chục km thì nên đi E5 sẽ kinh tế hơn.”
Nickname Chí Phèo 2019 phản bác đề xuất trên, vị độc giả này lập luận: “Bản chất Xăng sinh học có cồn dễ bay hơi nên ngay cả khi không đi đến xe thì xăng vẫn tự bay hơi hết nhanh hơn xăng 95. Đi cũng nhanh hết hơn 95, giá lại cao hơn. Mình vẫn trung thành với Ron 95.”
Một số độc giả quan ngại về sự ảnh hưởng của xăng sinh học đến động cơ. Cụ thể, anh Thăng Trần Văn cho rằng: “Nếu dùng xăng E5 thì lâu ngày các xoăng cao su bình xăng rất nhanh lão hóa và cứng lại làm thẩm thấu xăng ra ngoài và gặp nhiệt độ thích hợp rất dễ gây cháy xe, bởi vậy không thể yên tâm dùng loại xăng này được.”
Rất nhiều độc giả khẳng định nếu bỏ xăng A95, sẽ chuyển qua đi xe đạp thay vì đi xe máy vì "sớm muộn đổ xăng pha cồn xe máy cũng hỏng".
Độc giả Hoài Nguyễn thì lấy ví dụ cụ thể về vấn đề chất lượng: “Hôm qua em vừa đổ đầy bình xe Wave bằng xe A95 xong. Nhưng khi cho chú mượn mấy hôm, chú đổ xăng E5, đi rất hao xăng, tự nhủ bớt 1 cốc trà nóng để an toàn cho mình và xe.”
Hãy để thị trường tự đào thải thay vì ép buộc
Độc giả Nguyễn Châu đặt câu hỏi: “Hiện nay chỉ RON 95 mới có Euro IV. Tất cả các xe sản xuất hoặc nhập khẩu sau 31/12/2016 đều yêu cầu khí thải là EURO IV. Vậy không còn RON 95 thì các xe sản xuất từ 2017 chạy bằng gì?”
Trong khi đó, độc giả Trần Dũng thì thẳng thắn cho rằng: “Dù tôi là một người dùng xăng E5 nhưng hãy để thị trường tự định đoạt, không thể bắt ép mọi người dùng một sản phẩm mà họ chưa hài lòng về chất lượng.”
Khá bức xúc, chị Thanh Phương thắc mắc: "Đề xuất này là đặt lợi ích của người dân lên đầu hay là vì lợi ích của mấy doanh nghiệp?"
Nhiều độc giả cũng đưa ra nhận định các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nên để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế cung cầu, bản năng vốn có. Người tiêu dùng là người tự đưa ra sự lựa chọn thay vì những quy định ép buộc.
Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, người có kinh nghiệm hơn 15 năm trong phòng kỹ thuật của Toyota Việt Nam, người ta hoàn toàn có thể điều chế sản xuất được xăng sinh học có chỉ số Octan tương đương với xăng RON 95. Tuy nhiên, kỹ sư này cho hay, đến nay chưa có chứng minh nào so sánh giữa chất lượng xăng RON 95 và E5 sinh học rằng loại nào tốt hơn, đo đó việc loại bỏ xăng RON 95 khiến người dùng không còn lựa chọn nào khác.