Với mức giá hiện tại, vốn hóa của VinFast Auto (VFS) là 26,17 tỷ USD. Cổ phiếu VinFast biến động theo xu hướng giảm dần, từ mức đỉnh 84 USD/cổ phiếu (tương đương vốn hoá thị trường 191 tỷ USD) về dưới ngưỡng gần 10 USD như hiện tại.
Ngày 27/9, hãng xe VinFast gửi bản đăng ký sửa đổi việc chào bán cổ phiếu phổ thông từ một số cổ đông, bao gồm các nhà tài trợ của Black Spade, những người khác liên quan tới Black Spade và các cổ đông chủ chốt của VinFast gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star).
Theo bản đăng ký, nhóm này sẽ đưa ra hơn 75,7 triệu cổ phiếu phổ thông. Đây là một số lượng cổ phiếu cao gấp 17 lần so với 4,5 triệu cổ phiếu VFS niêm yết (trong tổng cộng hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS đang lưu hành).
Theo báo cáo kinh doanh quý 2/2023 của VinFast, tổng doanh thu của hang đạt 7.952,5 tỷ đồng (334 triệu USD), tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán xe chiếm 91,6%, đạt 7.289 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với quý 2/2022.
Tổng tài sản đạt mức 116.828,3 tỷ đồng (4,9 tỷ USD), tăng nhẹ so với đầu năm.
Trong quý 2 năm 2023, VinFast đã bàn giao 9.525 xe ô tô điện, tăng khoảng 436% quý trước và cao gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, hãng xe điện Việt Nam đã bàn giao được 11.315 chiếc ô tô điện. Trong đó, khoảng 7.100 chiếc được hãng bán cho Green and Smart Mobility (GSM) – công ty taxi điện do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sáng lập.
Dù doanh thu tăng mạnh, song với giá vốn hàng bán ở mức 10.667,1 tỷ đồng, VinFast báo lỗ gộp 2.714,6 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Trừ các chi phí khác, VinFast báo lỗ sau thuế quý 2/2023 ở mức 12.535,2 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, hãng xe điện này lỗ 26.656 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nâng lỗ lũy kế của VinFast lên mức 153.785 tỷ đồng (6,4 tỷ USD).
Tính đến ngày 30/6, tổng nợ phải trả của VinFast với các công ty liên quan, bao gồm Vingroup, ở mức 60.669,8 tỷ đồng (2,5 tỷ USD).
VinFast lên kế hoạch đầu tư đến 1,2 tỷ USD để “tiến quân” ra thị trường Đông Nam Á
Theo tài liệu F-1 gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC), khoản đầu tư bao gồm 150 triệu đến 200 triệu USD cho một cơ sở sản xuất tại Indonesia, bắt đầu hoạt động vào năm 2026 với công suất 30.000 - 50.000 xe/năm. Theo Bloomberg, VinFast dự định sẽ đưa 2 mẫu xe VF 3 và VF 5 sang thị trường Indonesia.
Xét về góc độ kinh doanh, Indonesia là thị trường mà bất cứ hãng xe nào đều muốn gia nhập. Bên cạnh đó, mặc dù thị trường xe điện tại quốc gia này vẫn trong giai đoạn khá hoang sơ nhưng được đánh giá là cực kỳ tiềm năng.
Một yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho VinFast cạnh tranh tại thị trường này là hiện tại, dù đã có một số thương hiệu gia nhập thị trường trước nhưng chỉ có 2 cái tên chiếm lĩnh thị phần lớn tại đây là Wuling Motors và Hyundai.
Nếu mở nhà máy tại Indonesia, đây sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast
Ngoài việc kinh doanh xe, một phần quan trọng khác trong kế hoạch của VinFast chính là đặt nhà máy sản xuất xe tại Indonesia. So với nước khác trong khu vực, Indonesia có trữ lượng nickel cực lớn tại đây, và đó cũng là một lợi thế để phù hợp với sản xuất xe điện. Nói sơ thêm, Nickel chính là kim loại quan trọng hàng đầu cho sản xuất pin xe điện.
Theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ, Indonesia chính là nước có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, chiếm 22% trữ lượng toàn cầu. Đây cũng là nhà sản xuất nickel lớn nhất toàn cầu, chiếm đến 39% sản lượng của toàn thế giới, xếp trên các quốc gia như Philippines, Nga hay Úc.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt các ông lớn ngành sản xuất ô tô điện đang xúc tiến việc mở nhà máy tại Indonesia, chẳng hạn Tesla hay BYD. Nếu mở nhà máy tại Indonesia, đây sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast, sau nhà máy tại Hải Phòng (Việt Nam), Bắc Caronila (Mỹ).