Sau vụ việc bán xe Mercedes 1,2 tỷ tua 4 vạn km ở Hà Nội mới đây, dư luận đặt dấu hỏi về các chế tài liên quan. Cho đến nay, chế tài có thể tham chiếu chỉ ở mức xử phạt hành chính nói chung về hành vi bán hàng gian dối ở Luật Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quảng cáo...,
Trong khi ở nước ngoài, đây là hành vi gian dối sẽ bị xử phạt rất nặng và thậm chí có thể bị ngồi tù.
Ở hầu hết các nước trên thế giới, việc mua bán một chiếc ô tô đã qua sử dụng đều dựa trên hồ sơ của xe và thông số ODO (đồng hồ công-tơ-mét) để định giá trị còn lại. Nhiều quốc gia coi hành vi chỉnh sửa số km đã đi sai lệch theo chiều hướng “tua ngược” là phạm pháp, và sẽ bị xử lý nặng tay.
Tại Mỹ, mặc dù việc tua số km bị nghiêm cấm và đưa vào đạo luật Liên bang số 49 (được thông qua năm 1972), nhưng theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), mỗi năm có hơn 450.000 phương tiện bị chỉnh lùi ODO được bán ra thị trường, gây thiệt hại tới hơn 1 tỷ USD.
Nếu bị phát hiện, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi hoặc lỗ từ hành vi này, tùy điều kiện nào nhiều hơn. Nếu không có tiền phạt sẽ phải đối diện với khả năng ngồi tù cao nhất 3 năm. Nếu là công ty, tổ chức phạm tội này, mức phạt tối đa là nửa triệu USD.
Tua km ô tô là hành vi bị cấm ở nhiều nước
Cá nhân vi phạm sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn. Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm.
Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 500.000 USD. Giám đốc hoặc nhân viên của công ty nếu cố ý vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt như với cá nhân.
Hồi tháng 2/2018, hãng xe Ferrari đã dính phải bê bối dùng phần mềm chuyên biệt tua lại số km của xe dễ dàng về lại con số 0. Vụ việc chỉ được phát giác do chính cựu nhân viên một đại lý xe ở Florida khởi kiện. Lý do khởi kiện là nhân viên này đã phản đối hành vi phạm pháp của đại lý và bị sa thải. Sau vụ việc, Ferrari đã phải cam kết loại bỏ phần mềm tua km ra khỏi hệ thống đại lý ở Mỹ.
Tại Úc, một điều tra vào năm 2012 cho thấy mức độ vi phạm tua km phổ biến ở Nam Úc và Tasmania (một bang hải đảo) khi phát hiện ra hàng chục ngàn ô tô qua sử dụng dính dáng đến việc này, được rao bán trên 100 website thương mại. Ước tính có 0,82% xe ô tô đã qua sử dụng rao bán trên mạng ở Úc đã bị chỉnh sửa số km.
Đứng ở vị trí số 3 có hành vi gian lận cao là bang Queensland với 0,9% số xe cũ, tiếp theo là bang Victoria (0,8%), ở New South Wales là 0,7%,Tây Úc là 0,4%.
Theo luật pháp Úc, những cá nhân phạm tội phải đối mặt với án tù 2 năm và phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 USD, tùy thuộc vào tiểu bang, trong khi với tổ chức, công ty là mức phạt khoảng 200.000 USD. Ví dụ, bang Queensland trong năm 2010 đã thu tổng số tiền phạt lên tới 400.000 đô la từ khoảng 13 người phạm tội.
Cơ quan chức năng của Úc xác định, việc tua đồng hồ km có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người trên xe, bởi các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua với người dùng khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch, và họ phải đối mặt với nhiều sự cố cũng như hao mòn không đáng có.
Tua km ô tô ngày nay còn tinh vi hơn trước khi tội phạm can thiệp vào phần mềm chỉnh sửa đồng hồ điện tử
Năm 2015 tại Anh, một gia đình tội phạm đã bị bắt với điều tra đã tua ngược km với ít nhất 255 chiếc xe. Tổng số ước tính nhóm này đã “hô biến” mất 4 triệu dặm (hơn 6,4 triệu km) với từng ấy xe. Còn trước đó vào năm 2013, một đại lý ở Nottingham đã bị điều tra bỏ túi hơn 130.000 bảng bằng bằng cách “rút bớt” 6 triệu dặm (hơn 9,6 triệu km) với 74 xe đã qua sử dụng, sau đó bán lại trên mạng internet.
Theo cảnh sát Anh, ngày nay dù phần lớn số ODO được nâng cấp lên kiểm soát bằng điện tử nhưng việc tua km vẫn dễ dàng. Những kẻ “chuyên nghiệp” sẵn sàng được thuê với giá khoảng 100 bảng (khoảng hơn 3 triệu VND) sẽ thực hiện theo bất kỳ yêu cầu giảm số km tùy thích. Chúng sẽ cắm máy tính vào ECU của xe hơi và tác động để số km giảm hay tăng.
Ngày nay mọi thứ được thực hiện dễ dàng hơn cho kẻ lừa đảo, vì xe thường trông vẫn tươi, ngay cả khi họ đã làm 100.000 dặm, trong khi odometers kỹ thuật số là vô cùng đơn giản để tua lại.
Việc bán một chiếc xe bị tua km ở Anh là bất hợp pháp. Nếu trong quá trình kiểm tra trước khi mua, bạn phát hiện ra rằng một chiếc xe đã được chỉnh km, hãy thông báo cho văn phòng Tiêu chuẩn Giao dịch tại địa phương hoặc cảnh sát. Đừng mua xe sau đó cố tình bán lại nó, vì như vậy sẽ phạm tội.
Một trong những lời khuyên của cảnh sát ở các nước trên để tránh gặp phải xe gian lận, dễ thực hiện nhất là bạn phải xem được lịch sử làm dịch vụ bảo dưỡng của chiếc xe như thời gian đưa xe đi gara, số km được ghi lại vào thời điểm phát lệnh sửa chữa.
Nếu một chiếc xe có một lịch sử dịch vụ đầy đủ, bạn có thể tự tin rằng số ODO không bị giả mạo. Với những chiếc xe hiện đại, việc đưa vào cơ sở có uy tín, thiết bị hiện đại kiểm tra cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mua nhầm xe “không đàng hoàng”.
Ở Việt Nam, theo Cục Đăng kiểm, hiện tượng tua km ô tô cũ đã bị Cục phát hiện không ít trường hợp nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt.
Theo Vietnamnet