AAPC cho rằng, điều 6 của Nghị định yêu cầu tất cả các phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam phải đi kèm giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) do cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp. Quy định này theo AAPC thì chỉ có ở Việt Nam và rất khó đáp ứng ở những nước khác và chỉ nhằm mục đích hỗ trợ quá trình nhập khẩu chứ không chứng minh được việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn và khí thải trong nước.
Hội đồng chính sách Ô tô Mỹ cho rằng, Nghị định 116/CP là "khắt khe hơn mức cần thiết" với xe nhập khẩu
Tổ chức này cho rằng, quy định trên mà phía Việt Nam đưa ra là “khắt khe hơn mức cần thiết”.
Điểm vô lý thứ 2, theo AAPC là quy định về thử nghiệm theo lô. Nghị định 116 quy định bắt buộc các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải thực hiện thủ nghiệm về khí thải và an toàn cho từng mẫu ô tô đại diện cho từng loại trong lô xe nhập khẩu. Quy định buộc các nhà sản xuất phải thử nghiệm lặp đi lặp lại cùng một mẫu ô tô tại cảng, dẫn đến việc kéo dài thời gian nhập khẩu, có khi lên đến vài tháng.
Yêu cầu này đối với xe nhập khẩu, theo AAPC là kém thuận lợi hơn các điều kiện dành cho các dòng phương tiện được sản xuất tại Việt Nam. Liên quan đường thử ô tô, AAPC cho rằng quy định tại Nghị định 116 đã vi phạm điều khoản về nguyên tắc không phân biệt đối xử trong Hiệp định TBT. Cụ thể, trong khi các mẫu xe sản xuất tại Việt Nam chỉ phải thử nghiệm một lần mỗi 36 tháng thì xe nhập lại phải kiểm tra lặp đi lặp lại.
Liên quan đường thử ô tô, AAPC cho rằng các nhà sản xuất Mỹ đã lắp ráp xe ở Việt Nam hơn 20 năm nên các đường thử xây dựng ở những khu vực phần lớn không đủ điều kiện thi công đường thử như yêu cầu của Nghị định 116. AAPC than rằng quy định này cũng khắt khe hơn mức cần thiết và khiến các dòng xe nhập khẩu rất khó đáp ứng được.
Nghị định 116 được công bố ngày 17/10/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, tức là các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có chưa đầy 3 tháng để tuân thủ. Còn Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải công bố ngày 25/1/2018 và có hiệu lực thi hành ngày 1/3/208, tức là chưa đến 6 tuần. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế nên AAPC phía Việt Nam xem xét sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu cũng như những cam kết của WTO/TBT.
Trước đó, Liên minh châu Âu EU cũng có văn bản gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bày tỏ sự quan ngại đối với một số nội dung của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp áp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, EU đề nghị hoãn thời thời gian thực thi với lý do Nghị định 116 có thể gây ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, EU tiếp tục đề nghị phía Việt Nam thừa nhận tương đương giấy chứng nhận kiểu loại ô tô…
Bên cạnh đó, phía EU cũng đề xuất các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét bổ sung các điều khoản liên quan đến việc tạm dừng hiệu lực và thu hồi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo rằng chế tài xử lý phạt nặng như vậy chỉ áp dụng đối với các trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng nếu không sẽ có thể tác động gây cản trở cho việc nhập khẩu xe.
EU nhắc lại một số kiến nghị trước đó của mình và cho rằng phía Việt Nam cần xem xét sửa đổi tất cả các điều khoản trong Nghị định mà có thể dẫn đến hạn chế không cần thiết đối với hoạt động thương mại, ảnh hưởng đến xe ô tô hoặc linh kiện do các nhà sản xuất nước ngoài định tiêu thụ ở Việt Nam.