Lãnh đạo Hội An toàn giao thông Việt Nam cho hay, một số phức tạp trong quản lý bằng lái do sự phối hợp của ngành công an chưa tốt. Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ không bình luận vì cho rằng đây là ý kiến cá nhân, không chính thức bằng văn bản.
Thiếu cơ sở
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đề xuất giảm thời hạn bằng lái ô tô xuống 5 năm, chuyển Bộ Công an cấp giấy phép lái xe (bằng lái) và kiểm tra sức khoẻ tài xế hàng năm.
Về đề xuất này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, ông không đồng tình.
Ông Thanh phân tích: Thời hạn bằng lái ô tô không phải chỉ 10 năm mà đã có tính toán và phân loại. Cụ thể, theo Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT (Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ), GPLX hạng A1, A2, A3 (các loại mô tô) là không có thời hạn; GPLX hạng A4, B1, B2 (máy kéo cỡ nhỏ, xe con dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp và GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE (các loại xe khách, xe tải cỡ lớn) có thời hạn 5 năm.
“Như vậy, chỉ xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải cỡ nhỏ (bằng B2 - cấp cho lái xe dưới 9 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn – PV) mới có thời hạn 10 năm. Các loại hình vận tải quy mô lớn hơn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng đã quy định 5 năm”, ông Thanh nói rõ.
Theo ông Thanh, thời hạn 10 năm đối với xe cá nhân và xe vận tải nhỏ là phù hợp với xu hướng cải cách hành chính và tính toán khoa học. “Lái xe cá nhân, xe con thường có ý thức tốt trong quản lý tài sản, bảo vệ tính mạng của họ nên quy định 10 năm là hợp lý”, ông Thanh nói.
Đối lái xe kinh doanh vận tải (bằng B2 và các bằng lái xe cỡ lớn), ông Thanh cho biết đã có quy định khám sức khoẻ định kỳ hàng năm và các quy định về tạm giữ, tịch thu bằng lái rất nghiêm khắc để kiểm soát.
“Nếu làm tốt các khâu này, đặc biệt CSGT nghiêm khắc khi tuần tra, xử phạt thì thời hạn bằng lái không có ý nghĩa nhiều. Nếu nói dài, 5 năm cũng là quá dài để sức khoẻ lái xe đi xuống; quan trọng là các biện pháp quản lý thường xuyên, trong đó có trách nhiệm của CSGT” – ông Thanh nói.
Về đề xuất ngành CSGT nắm quyền cấp, đổi bằng lái xe, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô bình luận: “Liệu CSGT quản lý sát hạch, quản lý cấp bằng có tốt hơn không? Họ có dám cam kết không để xảy ra tiêu cực? Trên thế giới, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX hầu hết do lĩnh vực dân sự thực hiện, và chịu sự thanh tra giám sát bởi ngành công an. Vậy nếu ngành công an quản lý, liệu có giám sát dễ dàng không? Đề nghị thay đổi công tác quản lý bằng lái do lãnh đạo phòng CSGT Hà Nội đưa ra thiếu cơ sở. Nếu họ nghiêm túc hãy đề nghị chính thức, làm rõ thông qua hội thảo khoa học”.
Phức tạp do phối hợp chưa tốt
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam (người vừa rời ghế Phó Tổng cục trưởng quản lý mảng người lái và phương tiện của Tổng cục Đường bộ) cho hay: Quy định về thời hạn của GPLX và các biện pháp quản lý đã được bàn thảo rất kỹ càng giữa các bộ ngành. Trong đó có định hướng rất rõ là tiệm cận đến các biện pháp quản lý tiến bộ của thế giới.
“Quy định đã bàn rất kỹ lưỡng, không nên thay đổi làm phức tạp tình hình” – ông Quyền nói.
Trong nhiều cuộc họp của Ủy ban ATGT, lãnh đạo Cục CSGT phản ánh hiện tượng, nhiều tài xế bị CSGT tước bằng lái nhưng không đến để xử lý vi phạm, vẫn được ngành GTVT cấp thêm bằng lái, một lái xe có đến 2 bằng lái...
Phải chăng sự quản lý lỏng lẻo về bằng lái nên CSGT đề nghị thống nhất quản lý bằng lái? Trả lời câu hỏi này, ông Quyền lý giải: Trong phần mềm quản lý GPLX hiện nay có một mục dành cho lực lượng CSGT thông báo các bằng lái bị tạm giữ, bị tước; CSGT cũng có thể thông báo bằng văn bản về việc tịch thu bằng lái.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc cập nhật của CSGT có nơi tốt, có nơi “chưa thành nề nếp”. Khi người vi phạm báo mất GPLX, đề nghị ngành GTVT cấp bằng, theo quy định, đến thời hạn, ngành GTVT buộc phải cấp.
“Vấn đề này, liên thông giữa ngành CSGT và quản lý phương tiện người lái của Bộ GTVT đã quy định rất rõ trong thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ GTVT. Vấn đề là việc phối hợp không tốt giữa hai lực lượng. Không nên vì sự phối hợp không tốt mà lại đề nghị thay đổi trong biện pháp quản lý đã bàn bạc, thống nhất” – ông Quyền đánh giá.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định đổi, cấp lại Giấy phép lái xe (Bằng lái xe) theo phân hạng mới.
Hiện nay Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã và đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nếu hết hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm thì phải thi lại phần lí thuyết; hết hạn trên 1 năm thì phải thi lại cả phần lí thuyết và thực hành khi làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe mới.
Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT tham mưu cho UBND các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế khám sức khoẻ có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi.
Từ ngày 14/11/2022, dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được mở rộng toàn quốc.