Theo báo cáo tài chính mà Trường Hải công bố năm 2014, Công ty đạt doanh thu thuần tới 21.928 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kể từ khi thành lập tới nay Trường Hải đã liên tục có những bước phát triển vượt bậc với tăng trưởng doanh thu hàng năm lên đến 30-50%. Hiện nay, Trường Hải là doanh nghiệp ô tô nội địa duy nhất có thể “sánh vai” với các hãng ô tô lớn khác trong nước.
Cùng với sự thành công về doanh thu thì lợi nhuận của Công ty cũng tăng vọt. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 của công ty đạt 3.442 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm trước. Đây là một mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng mà ít doanh nghiệp lớn nào có thể đạt được.
Chỉ cách đây vài năm Trường Hải đang chật vật với rất nhiều khó khăn và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó công ty đã lấy lại “phong độ”. Trường Hải đã không ngừng mở rộng kinh doanh, phát triển mạng lưới bán hàng và dòng xe mới. Giờ đây khi khắp nước Việt Nam ta cũng dễ dàng nhìn thấy thương hiệu Trường Hải hiện diện.
Năm 2014, đánh dấu sự thành công vượt bậc của công ty khi vươn lên vị trí dẫn đầu về số lượng xe bán ra thị trường. Theo báo cáo của VAMA doanh số bán hàng Thaco năm 2014 đạt 42.339 xe, tăng 50% so với năm trước và chiếm khoảng 32% số lượng xe bán ra của tất cả các thành viên trong VAMA. Dòng xe tải của Trường Hải gần như chiếm vị trí độc tôn ở thị trường xe tải Việt Nam. Riêng năm 2014, công ty đã bán ra tới hơn 20 nghìn xe, chiếm tới 15% tổng lượng xe bán ra (tính trong 17 thành viên của VAMA). Dòng xe Vinamazda của Trường Hải cũng bán được 9.438 chiếc, tăng 131% so với năm trước. Sản lượng bán hàng của Trường Hải đã vượt qua Toyota và vượt xa công ty đứng thứ 3 là Ford.
Những con số ấn tượng trên phần nào phản ánh đúng vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Trường Hải. Điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Trường Hải là tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo công ty. Chính những quyết định mang tính chiến lược đã giúp Trường Hải có được nhiều bước ngoặt quan trọng trên con đường trở thành doanh nghiệp có doanh số bán hàng đứng đầu trên thị trường Việt Nam. Các dòng xe mang thương hiệu Kia và Mazda đang là sản phẩm chiến lược quan trọng hàng đầu của công ty.
Dù đạt được khá nhiều thành công nhưng vẫn có không ít ý kiến quan ngại về tương lai của Trường Hải. Với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết AFTA và WTO, giá ô tô được dự báo sẽ giảm mạnh với sự thâm nhập thị trường của nhiều hãng xe trong khu vực. Theo lộ trình cắt giảm thuế trong AFTA, thuế nhập khẩu tiếp tục giữ 50% trong năm 2015, giảm còn 40% trong năm 2016, 30% trong năm 2017 và 0% vào năm 2018. Lộ trình này áp dụng cho hầu hết các loại xe trên thị trường Việt Nam.
Hiện nay, ô tô lắp ráp trong nước đang rẻ hơn so với nhập khẩu (có thuế) từ Thái Lan, Indonesia khoảng 5%-10% nhờ thuế suất. Nếu thuế suất nhập khẩu tiếp tục giảm đến mức 30% thì xe nhập khẩu sẽ có giá tương đương xe lắp ráp trong nước lúc đó lợi thế của Trường Hải sẽ không còn.
Tiềm năng về hạ giá thành sản phẩm cũng rất khó khăn. Cho đến nay “chiến lược” nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô được xem như thất bại. Theo lộ trình phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm ô tô đạt mức 60% cho tất cả các loại xe. Tuy nhiên, tỉ lệ này đối với xe ô tô 9 chỗ trở xuống chỉ đạt 15% trong khi xe ô tô 10 chỗ trở lên cũng chỉ ở mức 30%. Số lượng linh kiện cần thiết để sản xuất một chiếc ô tô là khoảng 20,000 đến 30,000. Trong khi số lượng nhà sản xuất linh kiện trong nước chỉ khoảng hơn 200 thêm vào đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này cũng chỉ dừng lại ở những chi tiết đơn giản và có hàm lượng công nghệ rất thấp như bánh xe, ắc quy, ghế ngồi… trong khi không đủ công nghệ để sản xuất chi tiết phức tạp như động cơ, máy móc.
Trước hiện trạng đó dù đạt được khá nhiều bước thành công nhưng liệu Trường Hải có tạo ra một bước ngoặt trong phát triển hay không? Câu trả lời đã khá rõ ràng.