Cụ thể, mới đây, Công ty Cica Việt Nam vừa có đơn gửi Sở KH&ĐT Hà Nội xin bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu phân phối bán buôn, bán lẻ tại Việt Nam, trong đó có mặt hàng ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi, thuộc mã HS 8703.
Ngay sau đó, Sở KH&ĐT Hà Nội đã có văn bản số 683 yêu cầu Cica giải trình các nghi vấn liên quan như: Trong danh mục mặt hàng đề nghị bổ sung của Công ty là ô tô, thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, theo quy định Nhà đầu tư phải giải trình làm rõ, chi tiết về đại lý bảo hành, bảo dưỡng, cung ứng dịch vụ hậu mãi...
Euro Auto - công ty con của Tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia) - bị khởi tố vì sai phạm nghiêm trọng tại Việt Nam
Bên cạnh đó, Công ty được cấp phép hoạt động 10 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đơn thuần, không gắn với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Theo báo cáo tài chính 2 năm gần nhất, Cica chưa có phát sinh lợi nhuận, chưa đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Sở KH&ĐT đề nghị Cica có đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội do dự án mang lại.
Điều đặc biệt chú ý là trong Giấy chứng nhận đầu tư được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp lần đầu năm 2008 và lần 2 năm 2015 cho Công ty Cica, Cica Việt Nam thuộc sở hữu của Sime Darby Industrial Sdn. Bhd - một thành viên của Tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia).
Tập đoàn Sime Darby Group cũng chính Công ty mẹ của Công ty Sime Darby Motor - nhà đầu tư chiếm hơn 90% cổ phần tại Công ty TNHH Ô tô Âu châu (Euro Auto).
Euro Auto là đơn vị độc quyền nhập xe BMW ở Việt Nam trước đây, nay đang vướng vào vụ việc gian lận thương mại trong quá trình nhập khẩu xe BMW về Việt Nam gây xôn xao từ tháng 12/2016. Cuối tháng 4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an ra quyết định khởi tố 03 bị can (bắt tạm giam 02 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Âu châu).
Theo đánh giá của cơ quan chức năng Hà Nội, việc Công ty TNHH Cica Việt Nam - doanh nghiệp 100% thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ Euro Auto - đột nhiên xin bổ sung mặt hàng ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi vào các mã hàng được thực hiện quyền xuất nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn và bán lẻ ở thời điểm này dấy lên lo ngại về kế "ve sầu thoát xác".
Công ty Cica là 100% vốn nước ngoài, nhưng chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, dù đã hoạt động 10 năm tại Việt Nam nhưng trong 2 năm gần đây vẫn không phát sinh lợi nhuận lại muốn nhập và phân phối xe đang đặt câu hỏi liệu chăng đây chỉ đơn thuần là hoạt động bình thường và do Cica tự đứng ra?
Nhiều chuyên gia nghi ngờ việc Tập đoàn ở Malaysia đang có ý định xây dựng doanh nghiệp sạch, tiếp tục được quyền nhập khẩu, kinh doanh ô tô BMW, đối phó với việc Euro Auto đang bị cơ quan chức năng xét xử vì liên quan đến hành vi gian lận thương mại, làm giả giấy tờ nhập xe BMW ở Việt Nam.
Trước đó, một sự việc được nhiều người nhắc đến là Đại Á thay chân, thế chỗ Tân Thành Đô nhập khẩu hai dòng xe hơi sang trọng là Land Rover và Jaguar về Việt Nam.
Điều đáng nói, sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô bị Hải quan TP.HCM truy thu số tiền thuế hơn 719 tỷ đồng, vụ việc liên quan đế khai thuế của Tân Thành Đô tại Việt Nam đã bị nhà sản xuất tại Anh tước quyền nhập khẩu hai thương hiệu xe sang nói trên.
Đại Á đã được nhà sản xuất và Đại sứ quan Anh quốc tại Việt nam chỉ định là đối tác nhập hai dòng xe sang nói trên thay Tân Thành Đô.
Điều đáng chú ý là hầu hết hệ thống đại lý của Tân Thành Đô đều được Đại Á mua lại và Đại Á có quyền và phải chịu trách nhiệm về kinh doanh, chăm sóc khách hàng đã từng mua Land Rover và Jaguar của Tân Thành Đô theo quy chế toàn cầu của hai hãng xe Anh quốc nói trên.
Theo Dân Trí