Con số đó được công bố tại hội thảo tổng kết dự án "Khảo sát thu thập dữ liệu để phát triển hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) trong ngành đường sắt đô thị tại Việt Nam" do văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức sáng 23-10.
Cụ thể, JICA đã hợp tác với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - môi trường), Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải), Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM khảo sát từ tháng 2 đến tháng 9-2019 cho các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 ở Hà Nội và tuyến số 1 ở TP.HCM, là các tuyến đang và sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Qua tính toán, các chuyên gia Nhật Bản đã ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi của Hà Nội là 54.541 tấn CO2/năm; tuyến metro số 2 của Hà Nội là Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo giúp giảm 39.614 tấn CO2/năm. Tương tự, tuyến số 1 của TP.HCM là Bến Thành - Suối Tiên làm giảm 56.877 tấn CO2/năm.
Theo kết quả phỏng vấn các hộ gia đình sống dọc theo các tuyến đường sắt đô thị đang trong quy hoạch và xây dựng, 81% người dọc theo tuyến metro số 1 ở TP.HCM và 66% người dọc tuyến số 1 ở Hà Nội tỏ ý sẵn lòng sử dụng metro trong tương lai.
Theo ông Ken Kumazawa - Trưởng đoàn khảo sát, hiện nay hầu hết người dân đô thị Việt Nam sử dụng xe máy thì việc chuyển đổi sang metro cũng không đơn giản. Tuy nhiên trong tương lai, lượng hành khách của metro chắc chắn sẽ tăng nếu chất lượng dịch vụ được đảm bảo và các tác động tích cực đến môi trường của đường sắt đô thị được chứng minh.
Ông Murooka Naomichi - phó trưởng đại diện JICA Việt Nam cho hay: "Metro không chỉ là phương tiện giao thông hiệu quả mà còn giúp giảm lượng khí CO2 và các chất gây ô nhiễm không khí. Ông hi vọng cuộc khảo sát này sẽ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM và ngày càng có nhiều người chuyển từ xe máy và ôtô cá nhân sang metro.
Trưa 30/9, đoàn tàu đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TPHCM đã chính thức rời cảng Kasado - Nhật Bản về Việt Nam.