Xe ngoại nhập về ồ ạt
Tháng 8 và 9/2018 là thời điểm sôi động của thị trường ô tô với gần chục mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN hưởng thuế 0% ra mắt, điển hình là các mẫu: Mitsubishi Xpander, Mazda BT 50, Ford Everest, Ford Ranger, Toyota Yaris, Toyota Wigo, Toyota Rush, Toyota Avanza, Honda HR-V,...
Xe nhập dồn dập về nước và bung hàng, bù lại doanh số bán thấp từ đầu năm tới nay.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2018 có trên 5.600 chiếc xe nhập khẩu đã được bán ra, tăng trưởng tới 66% so với trước đó, dù đang là thời điểm thị trường xe ảm đạm nhất trong năm khi trùng với “tháng cô hồn”.
Xe nhập khẩu đổ về VN trong tháng 8,9
Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, riêng trong tháng 8/2018 có hơn 11.000 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước. Con số này tương đương với số xe nhập hàng tháng của năm 2017, khi Nghị định 116 chưa có hiệu lực.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ giữa tháng 7/2018 đến nay, lượng ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, nhập về Việt Nam đã tăng nhiều so với trước, khoảng từ 1.500-2.000 xe mỗi tuần. Liên tục cập cảng để chờ làm thủ tục và giao hàng, báo hiệu xe nhập khẩu đã khai thông bế tắc và tràn vào Việt Nam.
Trong khi đó, xe sản xuất lắp ráp tuy vẫn có doanh số lớn, nhưng lại đang theo chiều hướng suy giảm. Cụ thể, theo báo cáo từ VAMA, tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tháng 8/2018 đạt 14.875 xe, giảm 18% so với tháng trước và giảm khoảng 4% so với cùng kỳ 2017.
Công ty GM Việt Nam đã âm thầm ngừng lắp ráp ô tô từ cách đây vài tháng. Các mẫu xe lắp ráp của DN này gồm: Spark, Aveo, Cruze, Captiva,... chỉ còn hàng tồn kho được các đại lý bán nốt. DN này đang phân phối và quảng bá mạnh cho hai mẫu xe nhập khẩu là Colorado và Trailblade.
Mặc dù xe nhập khẩu được hưởng thuế 0% nhưng mức giảm giá chưa như mong đợi. Song, nó bắt đầu gây áp lực lên ô tô trong nước, do tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người Việt.
Xe trong nước bất an
Trong khi đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước dự báo sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0%. Các DN cho biết, nếu xe nhập khẩu tràn vào nhiều, giá sẽ còn giảm nữa và xe sản xuất lắp ráp trong nước khó có thể cạnh tranh, bởi giá thành cao hơn khoảng 10-15%.
Trên thực tế, hiện có tới 90% linh kiện cung cấp cho các DN lắp ráp ô tô trong nước phải nhập khẩu. Khi nhập khẩu linh kiện, các DN phải chịu thêm chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu. Về nhà máy lại phải dỡ ra, rồi lắp ráp thành xe, trong khi quy mô và sản lượng thấp, khiến cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia.
Cơ quan này ước tính, lượng sản xuất, lắp ráp ô tô của các DN trong nước cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 235.000 xe các loại, giảm 1,3% so với năm 2017. Trong đó, quý 3 và quý 4, mỗi quý sản xuất, lắp ráp khoảng 60.000 xe. Tuy nhiên, sản xuất là một chuyện, còn tiêu thụ được hết hay không lại là câu chuyện khác.
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất, như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy Thaco Mazda với công suất ban đầu 50.000 xe/năm. Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại công suất 42.000 xe/năm... Qua đó, sản xuất và lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, đạt 114.600 xe các loại, tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, dự án mở rộng nhà máy của Công ty Hyundai Thành Công hợp tác với Hyundai Motor Hàn Quốc, sản xuất xe du lịch Hyundai, đang được đầu tư mở rộng; cùng với đó, dự án xe ô tô của tập đoàn VinGroup sắp hoàn thành, sẽ là tín hiệu tốt cho việc tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Nhưng nếu xe nhập tràn vào với số lượng lớn, giá rẻ thì DN ô tô trong nước chắc chắn gặp khó.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, cần có biện pháp để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp trong nước.
Các DN vẫn đang chờ đợi những điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm. Cùng với đó là ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước) để tạo động lực cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo Vietnamnet