Thị Trường, - 04/01/2012 02:52 PM
Trong khi Toyota Việt Nam gặp bão triệu hồi với con số kỷ lục; Hyundai Thành Công âm thầm lắp ráp hai mẫu xe mới bị nghi nhằm trục lợi thuế; thì Ford, Honda đối mặt với nguy cơ bị truy thuế hàng nghìn tỷ đồng hay Trường Hải bất ngờ leo lên vị trí số 1 về doanh số bán...Đây thực sự là những cơn 'địa chấn' (theo nghĩa tích cực hoặc tiêu cực) với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam năm 2011.

Toyota Việt Nam triệu hồi số lượng xe kỷ lục

Có thể nói, các thông tin liên quan tới đợt triệu hồi lịch sử và kỹ sư Lê Văn Tạch là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận, người tiêu dùng trên thị trường  ô tô Việt Nam năm 2011 vừa qua.

Kể từ ngày đầu tiên của tháng 4/2011, các phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu đăng tải thông tin được kỹ sư Lê Văn Tạch, người có kinh nghiệm 9 năm làm việc tại Toyota Việt Nam, cung cấp về 3 lỗi kỹ thuật của hàng chục nghìn xe Toyota lắp ráp tại Việt Nam từ năm 2006 tới 2011, chủ yếu là Innova và Fortuner. Vị kỹ sư có nhiệm vụ chuyên lập quy trình lắp ráp xe mới và hỗ trợ bộ phận sản xuất phát hiện lỗi chất lượng của xe này cho biết đã phát hiện những lỗi nguy hiểm của xe Toyota và nhiều lần báo cáo lên cấp trên nhưng đã bị phớt lờ, thậm chí đe dọa nên đã buộc phải công khai thông tin tới báo chí.

Ban đầu, Toyota VN mới chỉ thừa nhận khả năng xảy ra 3 lỗi mà kỹ sư Tạch với xe Toyota lắp ráp tại Việt Nam là có thật, nhưng lượng xe có thể bị lỗi chỉ khoảng gần 9.000 xe và khẳng định những lỗi này không ảnh hưởng tới an toàn khi vận hành nên chưa đến mức phải triệu hồi. Tuy nhiên chỉ một tuần sau, trước sức ép của dư luận và sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng cũng như xem xét vấn đề kỹ càng hơn, liên doanh Nhật đã thay đổi quan điểm và lên kế hoạch triệu hồi xe.

Đến 15/4/2011, Toyota VN đã chính thức xin lỗi người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời quyết định triệu hồi số lượng xe lịch sử - hơn 65.700 xe Innova và Fortuner sản xuất từ năm 2005 đến năm 2010 bị mắc lỗi an toàn, trong đó chủ yếu là xe Innova. Trước và sau thời điểm này, Toyota VN còn triệu hồi mở rộng với hơn 6.000 xe Innova và khoảng hơn 600 xe Camry cả đời mới và đời cũ. Đáng chú ý, cũng lần đầu tiên trong lịch sử thị trường ô tô Việt Nam, Toyota VN đã sử dụng cụm từ "Triệu hồi xe" - điều rất bình thường trên thị trường thế giới - để thay thế cho cụm từ "Chiến dịch sửa chữa đặc biệt" thường được chính Toyota cũng như nhiều liên doanh khác sử dụng tại Việt Nam từ trước tới nay, có lẽ xuất phát từ quan niệm về triệu hồi và sự nhầm lẫn triệu hồi - thu hồi của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, câu chuyện liên quan tới kỹ sư Tạch vẫn chưa có hồi kết, kể cả tới thời điểm này. Đầu tháng 6/2011, kỹ sư Tạch đột ngột bị đình chỉ công tác 3 tháng với lý do để "xác minh hành vi làm ảnh hưởng công việc và uy tín của người khác trong công ty". Mặc dù Toyota VN khẳng định quyết định này không liên quan đến việc kỹ sư Tạch phát hiện và công bố lỗi xe Toyota nhưng điều đó không thuyết phục được nhiều người về khả năng '"đấu tranh- tránh đâu"...Đến đầu tháng 9, sau gần 3 tháng tạm đình chỉ, liên doanh Nhật ra quyết định kỷ luật kỹ sư Tạch với hình thức hạ lương và chuyển làm công việc khác không quá 6 tháng. Quyết định này gặp phải sự phản ứng quyết liệt của kỹ sư Tạch cùng nhiều đơn khiếu kiện tới các cơ quan chức năng, tuy nhiên mọi việc liên quan đến lỗi của con người không dễ khẳng định rõ ràng như lỗi kỹ thuật xe.

Không chỉ chao đảo sau các đợt triệu hồi xe lịch sử, Toyota VN còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 và lũ lụt lịch sử kéo dài nhiều tháng tại Thái Lan. Cụ thể, sự gián đoạn nguồn cung phụ tùng đã khiến liên doanh Nhật phải liên tiếp giảm sản lượng sản xuất, cao điểm là mức giảm tới 70%, khiến nhiều trường hợp giao xe không đúng kế hoạch, doanh số bán bị ảnh hưởng mạnh...

Hyundai Thành Công âm thầm lắp ráp Sonata và Santa Fe

Dù chưa gia nhập VAMA - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - nhưng quy mô hoạt động của Hyundai Thành Công chắc chắn đứng ở top 5 các doanh nghiệp ô tô có doanh số bán lớn nhất trên thị trường ô tô Việt Nam, sau chỉ hơn 3 năm được quyền nhập khẩu phân phối chính hãng và lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam.

Đầu tháng 11/2011 vừa qua, các cơ quan thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng nghi ngờ gian lận thuế của Hyundai Thành Công sau khi có đầy đủ những thông tin về việc công ty này có hồ sơ lắp ráp 2 mẫu xe Sonata và Santa Fe tại Việt Nam, trong khi những thông số chi tiết về chiếc xe (cả số khung, số máy, đặc điểm nội ngoại thất) lại khẳng định xe đã được sản xuất tại Hàn Quốc. Trước đó, công ty chỉ công khai việc sản xuất lắp ráp một mẫu xe duy nhất là Avante và ra mắt thị trường vào tháng 5/2011.

 Một mẫu Santa Fe đã từng được Hyundai Thành Công nhập khẩu và phân phối chính hãng.

Phản hồi về vụ việc này, Hyundai Thành Công đã đưa ra quyết định cho phép nhập ưu đãi tới 5.000 bộ linh kiện có độ rời rạc thấp hơn quy định của Bộ Khoa học Công nghệ để chạy thử dây chuyền sản xuất (?!) và khẳng định mới nhập hơn 100 bộ linh kiện loại này nhưng không trả lời về việc tại sao thông số về các mẫu xe này lại rất chi tiết trên hồ sơ của Hyundai toàn cầu.

Ngay lập tức, VAMA đã có văn bản gửi lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan khẳng định việc ưu đãi cho Hyundai Thành Công vừa gây sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, vừa tác động tiêu cực đến công nghiệp ô tô Việt Nam. Hiện dư luận vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng.

Hàng loạt liên doanh vướng vào 'nghi án' trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng

Đầu tháng 7/2011, 'nghi án' trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng của các liên doanh ô tô trong nước, xuất phát từ Ford VN, bắt đầu rộ lên khi cơ quan Hải quan kiểm tra các lô hàng kinh kiện phụ tùng ô tô nhập khẩu của Ford VN, Honda, Toyota, Vidamco...và phát hiện một số linh kiện không đáp ứng  đủ mức độ rời rạc theo quy định hiện hành để có thể áp mức thuế nhập khẩu theo dạng linh kiện, phụ tùng (có thuế suất thấp từ 0-27%). Trong khi đó, theo Thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính, chỉ cần một linh kiện phụ tùng không đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ thì sẽ phải áp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc (thuế suất 82%).

 Nghi án trốn thuế linh kiện đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, Ford VN cũng phải ngừng sản xuất 1 tuần...

Dựa trên cơ sở này, cơ quan Hải quan đã ra quyết định truy thu hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp, và theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, con số chiểu theo đúng quy định thì có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên sau sự phản ánh của doanh nghiệp, cân nhắc các tình huống 'tình ngay lý gian' của các đơn vị sản xuất, đầu tháng 10/2011, Bộ Tài chính đã gỡ bỏ quyết định truy thu thuế, đồng thời quy định linh kiện hoặc bộ linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc sẽ được tính theo thuế suất của linh kiện hoặc bộ linh kiện nếu tổng trị giá linh kiện đó không vượt quá 10% tổng giá trị linh kiện để lắp ráp ôtô hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp ô tô thở phào vì thoát nạn nhưng là người trong cuộc, chắc họ cũng hiểu nguyên nhân rắc rối không chỉ từ chính sách.

Trường Hải bất ngờ leo lên vị trí quán quân về doanh số

Nhiều người cho rằng năm 2011 là thời điểm lịch sử của công ty ô tô Trường Hải khi họ hội đủ cả 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để vươn lên vị trí số 1 về doanh số bán hàng. Ngay từ đầu năm, Tổng giám đốc công ty ôtô Trường Hải Trần Bá Dương đã đặt mục tiêu đứng đầu về doanh số bán hàng và ngày cuối năm mục tiêu này đã trở thành hiện thực. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2011 vừa qua, Trường Hải bán được gần 32.000 chiếc xe các loại, vượt qua Toyota với khoảng 30.000 chiếc.

 Trường Hải ngày càng thành công với thương hiệu xe Kia

Ngoài những nỗ lực vượt bậc của bản thân Trường Hải, sự gián đoạn sản xuất tới 2 lần trong năm của Toyota cũng là cơ hội giúp Trường Hải vươn lên quán quân. Tuy vậy, nếu chỉ xét riêng về mảng xe du lịch, thương hiệu xe Kia do Trường Hải sản xuất lắp ráp vẫn còn cần thêm thời gian để vượt qua Toyota về doanh số bán trên thị trường Việt Nam.

GM Việt Nam thay thế Vidamco

Kể từ trung tuần tháng 9/2011, công ty ôtô Việt Nam Daewoo (Vidamco) chính thức đổi tên thành công ty TNHH Ôtô GM Việt Nam (gọi tắt là GM Việt Nam) và ngay lập tức, GM Việt Nam tuyên bố khai tử các dòng xe mang thương hiệu Daewoo, chỉ phát triển xe mang thương hiệu Mỹ Chevrolet.

 Tân Tổng giám đốc GM Việt Nam Gaurav Gupta tại lễ công bố đổi tên Vidamco thành GM Việt Nam và phát triển thương hiệu duy nhất Chevrolet.

Chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi tiếp cận thị trường Việt Nam với vai trò là tân Tổng giám đốc nhưng ông Gaurav Gupta - một chuyên gia trong lĩnh vực ôtô đã từng thành công với GM tại Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore - đã nhanh chóng có những cải cách mạnh mẽ, từ chiến lược phát triển sản phẩm tới đại lý, phòng trưng bày, trung tâm dịch vụ khách hàng...Chính vì lẽ đó với nhiều người biết đến một Vidamco bảo thủ và yếu kém trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi thì GM Việt Nam đang được kỳ vọng bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy đây thực sự là "bình mới- rượu mới".

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.