Kể từ đầu tháng 10/2011, hàng loạt vu cháy xe diễn ra trên diện rộng, từ bắc vào nam. Không chỉ có xe máy, cả ôtô cũng cháy. Nhiều ý kiến nghi ngờ xăng là nguyên nhân gây ra cháy nổ xe trong thời gian qua.
Thành viên Xulu trên diễn đàn xe hơi Otofun chia sẻ "công nghệ" làm xăng rởm. “Trộn dầu FO và chất VNK với tỷ lệ 1 tấn dầu FO thì cho 1 kg chất VNK, sau đó cho vào máy lọc ly tâm, rồi chuyển sang máy ép ly tâm”.
Theo Xulu, tiền mua thiết bị khoảng 700 - 800 triệu đồng. Dầu FO có thể mua từ nhiều nguồn khác nhau. Chất VNK hay còn gọi là "xăng non" có giá 260.000 đồng mỗi kg được mua từ Trung Quốc hoặc cơ sở tư nhân tự chế biến. Tổng chi phí để sản xuất "xăng rởm" chỉ khoảng 12.000 đồng mỗi lít.
Sơ đồ quy trình sản xuất xăng rởm. Ảnh: Otofun. |
Nếu xăng này được pha với các loại xăng trên thị trường theo tỷ lệ thể tích nhỏ hơn 20% thì “không sao”. Nhưng nếu trên 40% thì sẽ rất nguy hiểm. Vì chất VNK khi kết hợp với lưu huỳnh sẽ cháy mạnh. Trong khi đó, bản thân dầu FO luôn có chứa lưu huỳnh. Xulu kết luận: "Không nên đổ cây xăng của tư nhân trong thời gian này còn cây xăng nhà nước thì có thể tin hơn".
Thông tin về pha chế "xăng rởm" trên Otofun được rất nhiều trang mạng lấy lại và nhận nhiều chia sẻ của độc giả. Đa phần đồng tình với thông tin này và tỏ ra lo lắng cho vấn đề nhiên liệu trong thời gian qua. Tuy nhiên, những thuật ngữ mà Xulu đưa ra lại ít phổ biến như "VNK". Khái niệm "xăng non" cũng không phải quen thuộc với mọi người.
Trao đổi với VnExpress về quy trình pha chế xăng rởm, tiến sĩ Đào Quốc Tùy, bộ môn công nghệ hữu cơ-hóa dầu, đại học Bách khoa Hà Nội nhận định công nghệ sản xuất xăng trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Ông cho biết, dầu FO là hỗn hợp của các hydrocarbon mạch dài, ngoài việc lấy từ nhà máy lọc dầu còn có thể được tạo ra bằng quy trình sản xuất khá đơn giản như nhiệt phân lốp cao su trở thành dung dịch lỏng. Sau khi trải qua công đoạn lọc, và chưng cất sẽ thu được dầu FO.
Khái niệm "xăng non" tương đối mơ hồ nên chưa thể đánh giá được thành phần cũng như tính chất lý hóa của chúng. Nếu hỗn hợp “xăng non” bao gồm các hydrocarbon mạch ngắn, dễ bay hơi thì chúng có thể hòa trộn được trong dầu FO.
Theo tiến sĩ Tùy, về mặt lý thuyết các chỉ số A83, A92, A95 là để phân biệt xăng có chỉ số octan khác nhau. Việc bổ sung chất phụ gia có chứa oxi như ethanol, metanol, aceton sẽ giúp xăng bay hơi tốt hơn, đồng thời tạo ra quá trình cháy trong động cơ sạch hơn.
Ông nhấn mạnh các chất phụ gia chỉ được pha chế vào xăng với một chỉ số nhất định. Nếu sử dụng xăng E5 (chứa 5% thể tích là Ethanol), động cơ vẫn hoạt động bình thường, nhưng nếu sử dụng xăng E10 thì thệ thống phun xăng phải được thiết kế lại để đảm bảo phù hợp với tỷ số bay hơi của nhiên liệu mới.