Mazda CX5
Mặc dù bị mất ngôi vương phân khúc CUV vào chính tay CRV từ năm 2019; thậm chí có lúc còn hụt hơi trước cả Hyundai Tucson. Nhưng, không thể phủ nhận rằng chỉ có CX5 mới có thể làm đối trọng với người đồng hương của mình chứ không phải mẫu xe Hàn Quốc kia.
So với một Honda CRV cứng cáp, Mazda CX5 lại có vẻ ngoài như một gã trai trẻ, bảnh bao và đỏm dáng. Thật khó để khẳng định ngoại thất của mẫu xe nào đẹp hơn; nhưng về nội thất, mẫu xe của Mazda có thiết kế chỉnh chu, bắt mắt và phảng phất hơi hướng “hạng sang” hơn đối thủ của mình. Về trang bị, Honda đã bứt lên với việc cập nhật gói Honda Sensing danh tiếng, nhưng những gì có trên CX5 từ trước đến nay cũng là không ít và hoàn toàn đủ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng tại Việt Nam.
Với người dùng trẻ, thích một chiếc xe có nội ngoại thất bắt mắt và không quan tâm đến hàng ghế thứ 3; thì lợi thế dành cho mẫu xe của Mazda là khá lớn khi mà phiên bản full-option CX5 Premium AWD có giá 1.049 tỷ đồng, cao hơn Honda CRV bản G chỉ 1 triệu đồng.
MG HS
Có lẽ đặt MG HS lên bàn cân với Honda CRV vào thời điểm hiện tại là hơi quá sức cho chiếc xe này. Nhưng với thương hiệu có nguồn gốc Anh Quốc cùng mức giá từ 788 triệu đến 999 triệu đồng thì cũng đáng để hy vọng vào một làn gió mới. Phiên bản cao nhất MG HS 2.0T AWD có giá chỉ ngang với Honda CRV bản E (thấp nhất), và nếu che đi phần tên, chỉ nhìn vào những gì mà chiếc xe Trung Quốc gốc Anh đang có thì nó đủ sức xếp ngang với bất kỳ đối thủ nào cùng phân khúc đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thậm chí, MG HS 2.0T AWD có một thứ mà rất nhiều người dùng muốn có trên chiếc xe của mình nhưng ngay cả bản cao cấp nhất CRV L với giá 1.118 tỷ đồng không có, đó là hệ dẫn động 4 bánh có khóa vi sai điện.
Dù vậy, có một thách thức mà MG cần phải rất nỗ lực để vượt quá là định kiến về “xe Tàu” trong tiềm thức của khách hàng Việt.
Hyundai SantaFe
Là một chiếc Crossover 5+2, nhưng với kích thước nhỉnh hơn các đối thủ cùng cấu hình, mẫu xe Hàn Quốc đe dọa trực tiếp tới những chiếc SUV 7 chỗ khác như Toyota Fortuner hay Ford Everest. Qua đó, câu hỏi về độ rộng rãi của khoang cabin SantaFe nên được dẹp qua một bên. Ngoài ra, SantaFe có hàng ghế thứ 3 được cho là rộng nhất trong những chiếc 5+2 tại Việt Nam; do đó, đây là trang bị hữu ích thực sự chứ không chỉ mang tính chất chữa cháy như các đối thủ khác bao gồm cả CRV.
Hai mẫu xe có khá nhiều điểm tương đồng với nhau. Về thiết kế, CRV và SantaFe đều cho người nhìn cảm giác về một chiếc xe có nét đẹp mạnh mẽ và nam tính. CRV tự tin với hệ thống Honda Sensing thì cũng đừng quên SantaFe là một chiếc Hàn có truyền thống ngập tràn option. Tuy nhiên, chính sách bán hàng mà Hyundai Thành Công dành cho mẫu xe gầm cao của mình đang rất tốt khi được bảo hành tới 5 năm hoặc 100,000 Km cùng với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn khác từ các đại lý như tặng tiền mặt, phụ kiện hay bảo hiểm. Với 6 phiên bản có mức giá từ 995 triệu – 1.245 tỷ đồng, SantaFe là phương án đáng để cân nhắc khi khách hàng không muốn lựa chọn Honda CRV.
Mazda CX8
So với các mẫu xe ở vừa nêu ở trên và với cả CRV, Mazda CX8 ở một tầm hoàn toàn khác. Một chiếc SUV 7 chỗ thực thụ; nhưng điều gì đã khiến nó trở thành sự lựa chọn thay thế cho đối thủ đồng hương?
Với 1.118 tỷ, khách hàng sẽ sử hữu chiếc Honda CRV bản L với trang bị thuộc hàng khủng nhất phân khúc cũng như trong chính lịch sử của mẫu xe này tại thị trường Việt Nam. Bỏ ra thêm 31 triệu đồng nữa, chúng ta sẽ mua được CX8 Premium 2WD. Liệu mức chênh lệch có đáng để cân nhắc? Mặc dù vẫn không có tùy chọn hệ dẫn động 4 bánh; nhưng đổi lại, khách hàng sẽ có hàng ghế thứ 3 để ngồi một cách đúng nghĩa. Nội thất vốn đã tạo cảm giác sang trọng thì lại được cộng thêm điểm nhờ sự xuất hiện của da Nappa cao cấp; trong khi đó ai cũng biết i-Activesense của CX8 đâu có thua kém gì Honda Sensing của CRV. Không chỉ vậy, không gian nội thất tổng thể và sự đầm chắc trong vận hành của một chiếc Crossover 5+2 sẽ không thể được như một chiếc xe 7 chỗ.
Ngoài các mẫu xe kể trên, khách hàng còn có những sự lựa chọn khá tốt khác như Mitsubishi Outlander hay Nissan Xtrail. Tuy nhiên, đây lại là hai ví dụ điển hình của những chiếc xe tốt nhưng thiếu những điểm có thể thuyết phục được khách hàng. Cả Outlander và Xtrail đều được đánh giá tốt về sự đầm chắc trong vận hành và cảm giác lái; nhưng chiếc xe của Mitsubishi thì mất điểm do nội thất có thiết kế không cao cấp và có phần già dặn. Còn mẫu xe nhà Nissan thậm chí còn không được đánh giá cao ở cả nội lẫn ngoại thất.