Tuy Chính phủ đã lưu ý từ đầu là “không chồng chéo” nhưng vì cùng quy định về giao thông đường bộ (GTĐB) mà hai dự thảo hiện tại của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB và Luật GTĐB sửa đổi vẫn còn giẫm nhau.
Dự luật này đã quy định, dự luật nọ vẫn đề ra yêu cầu
Báo cáo với Quốc hội vào chiều 24-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết so với Luật GTĐB 2008 thì dự thảo mới nhất của Luật GTĐB sửa đổi (do Bộ GTVT soạn thảo) đã có sự thu hẹp phạm vi điều chỉnh.
Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB. Theo đó, quy tắc GTĐB và quy định về người lái xe không còn có trong Luật GTĐB nữa mà được chuyển sang dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (do Bộ Công an soạn thảo).
Lý là vậy nhưng dự thảo lần thứ tư (ngày 23-9) Luật GTĐB sửa đổi vẫn tiếp tục có một số quy định về người lái xe. Từ đó dẫn đến việc cùng về người lái xe mà có đến hai dự luật điều chỉnh.
Ở dự thảo 5 (ngày 22-9) Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an đưa ra đến bảy điều luật để áp dụng chung cho mọi người lái các loại xe, không phân biệt có hay không có kinh doanh. Chẳng hạn, quy định về độ tuổi, sức khỏe, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hạng...
Ấy thế, ở dự luật GTĐB sửa đổi nêu trên, Bộ GTVT vẫn đề ra thêm những quy định riêng về người lái xe kinh doanh.
Đơn cử, ở chương IV về vận tải đường bộ có hai điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người lái ô tô kinh doanh vận tải hành khách và của người lái ô tô vận tải hàng hóa. Điều 61 của chương IV còn quy định về thời gian làm việc của người lái ô tô kinh doanh vận tải mà theo đó “người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải” (khoản 2). Cần lưu ý là chứng chỉ hành nghề lái xe theo dự kiến này là một yêu cầu hoàn toàn mới, không có trong Luật GTĐB hiện tại.
Bộ GTVT: Người hành nghề lái xe gây nhiều tai nạn giao thông
Theo Luật GTĐB 2008 thì giấy phép lái xe được cấp căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe; được phân thành không thời hạn, có thời hạn. Cũng theo luật này thì việc cấp giấy phép lái xe có sự phân biệt giữa người không hành nghề lái xe với người hành nghề kinh doanh vận tải. Trong đó, chỉ phân biệt hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe, hạng B2 cấp cho người hành nghề kinh doanh vận tải; các hạng còn lại không phân biệt đối tượng.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nói trên cũng có nhiều quy định tương tự về căn cứ, về việc không có thời hạn và có thời hạn của giấy phép lái xe. Tuy nhiên, có điểm khác lớn ở dự luật này là không còn có sự phân biệt giữa người không hành nghề lái xe với người hành nghề kinh doanh vận tải trong việc cấp giấy phép lái xe.
Chưa rõ sự thay đổi này của Bộ Công an ảnh hưởng thế nào đến đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề lái xe của Bộ GTVT nhưng có thể thấy đề xuất đó có xuất phát từ số tai nạn giao thông khiến Bộ GTVT muốn có sự quản lý chặt chẽ hơn.
Trong tờ trình ngày 1-9 gửi Quốc hội về dự luật GTĐB sửa đổi, Chính phủ cho biết: Thời gian qua, chỉ có những người kinh doanh vận tải mới có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe các hạng còn lại (không tính B1, B2); tỉ lệ gây ra các vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên chủ yếu ở người hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Không chấp nhận giấy phép con gây phiền toái
Lại lần nữa phải nhận thấy là việc tách ra hai luật riêng biệt để cùng điều chỉnh về GTĐB là không hợp lý, dễ dẫn đến chồng chéo, cắt khúc vì hạ tầng giao thông hay các loại xe, người lái xe... luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Trong trường hợp vẫn muốn đệ trình lên Chính phủ, Quốc hội hai luật và chờ Quốc hội sáng suốt quyết định thì hai bộ GTVT, Công an cần thống nhất cách xây dựng luật. Theo đó, hết thảy quy định về người lái xe phải được xếp ở một luật để người dân lẫn các cơ quan chức năng tiện tra cứu, dễ thực hiện. Nếu đã đồng ý chuyển giao quy định về người lái xe sang Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB thì Bộ GTVT không nên đưa một số nội dung liên quan đến việc này vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.
Thay vào đó, Bộ GTVT có thể đề nghị Bộ Công an xem xét, tính toán thêm trong quá trình soạn thảo, hoàn chỉnh dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Ví dụ, với “nghiệp vụ vận tải” là một trong những nội dung đào tạo lái xe đang được quy định ở các thông tư của Bộ GTVT và được bộ này đề xuất đưa vào dự luật GTĐB sửa đổi, Bộ Công an có thể bổ sung vào nội dung đào tạo lái xe trong dự luật do Bộ Công an soạn thảo.
Riêng về chứng chỉ hành nghề lái xe, nếu không có căn cứ xác đáng, thuyết phục là chứng chỉ này sẽ làm giảm thiểu tai nạn giao thông thì các bộ tham mưu cho Chính phủ nên loại bỏ để tránh gây phiền toái, lãng phí về một giấy phép con không được phép có.
Trong việc bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, nếu dự luật mới đã đề ra được nhiều quy định cần thiết, phù hợp về điều kiện của người lái các loại xe thì cứ thế mà thực hiện đúng để ai làm sai đều phải bị xử lý nghiêm nhằm đạt hiệu quả.
Dự luật mới: Không phân biệt đối tượng trong cấp giấy phép lái xe Nếu luật hiện tại cấp hạng B1 cho người không hành nghề lái xe, B2 cho người hành nghề lái xe (các hạng còn lại không phân biệt đối tượng) thì dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB chỉ cấp là hạng B. Với hạng B, dự luật này quy định: Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg. |
Theo các dự thảo luật mới, đào tạo sát hạch giấy phép lái xe sẽ do Bộ Công an quản lý, song chứng chỉ nghề kinh doanh vận tải lại do Bộ GTVT quản lý.