Thị Trường, - 13/05/2019 11:35 PM
“Lương không tăng nhưng vẫn thấy xăng tăng giá đều, trong vòng chưa đến 03 tháng tăng hơn 20%. Mần răng?” Đó là ý kiến của độc giả Hoàng Kim ở Long An.

Trong những phiên điều chỉnh gần đây, giá xăng liên tục tăng, vượt mức 20.000 đồng/lít. Quỹ bình ổn được xả mạnh nhưng giá xăng vẫn không thể nào ổn định. Vậy Quỹ bình ổn như tên gọi có đang làm đúng nhiệm vụ của mình?

Quỹ bình ổn hoạt động thế nào?

Bộ Tài chính khẳng định nguyên tắc vận hành Quỹ luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Quỹ này được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng quý và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với Bộ Tài chính.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng khẳng định: "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”

Nhưng rất khó để giải thích cặn kẽ và tìm hiểu về thông  tin hoạt động của Quỹ bình ổn. Hàng triệu người dân Việt Nam vẫn thắc mắc, Quỹ bình ổn được sử dụng như thế nào mà giá xăng vẫn tăng?

Tại sao Quỹ hoạt động không hiệu quả?

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc nhà điều hành liên tục trích Quỹ bình ổn ở mức cao khiến các doanh nghiệp càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận. Trong ví dụ mới nhất, số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp âm hơn 320 tỷ đồng, PVOil ghi nhận đã âm gần 670 tỷ đồng ở thời điểm trước 2/5. 

Mặt khác, xuất hiện nhiều điểm bất hợp lý trong khi sử dụng Quỹ bình ổn. Cụ thể, Nghị định 83 quy định mỗi lít xăng nhập về doanh nghiệp trích 300 đồng lợi nhuận định mức và phải gửi vào một tài khoản cố định. Khoản lãi sẽ nhập vào gốc, doanh nghiệp hoàn toàn không được động vào số tiền này. Nhưng khi quỹ âm thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng lãi suất 7-8% một năm hoặc bỏ vốn tự có bù đắp. Đây có thể được coi là điểm bất lợi khi bỗng dưng doanh nghiệp phải gánh một khoản nợ, thậm chí lâm vào hoàn cảnh bị dừng cho vay nếu không nhận thấy khả năng chi trả.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng: Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.

 Cơ quan chức năng lên tiếng

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có quỹ thời gian qua giá bán lẻ trong nước đã tăng rất mạnh. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương nhắc lại quan điểm điều hành xăng dầu theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước. Nhà nước không bỏ đồng ngân sách nào vào can thiệp điều hành mặt hàng này.

"Giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng cao, nếu không dùng Quỹ bình ổn, giá bán lẻ trong nước đã tăng cao hơn nhiều và tác động tới lạm phát kỳ vọng, ảnh hưởng tới quản lý điều hành kinh tế vĩ mô", Thứ trưởng Công Thương khẳng định.

Tính đến nay, Quỹ bình ổn xăng dầu đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Riêng năm 2018 cơ quan quản lý đã chi 1.600 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn để "kìm" giá xăng. 

Người dân nói gì?

Ngay khi đề xuất này được công bố, hầu hết cộng đồng mạng đều đồng tình. Bạn đọc Huy Ngô Quang cho rằng: “Tôi ủng hộ 2 tay + 2 chân. Tôi đoán rằng hầu hết người Việt Nam đều mong bỏ cái quỹ "bất ổn xăng dầu này đi".

Trong khi đó, nick name Khúc Lê thì thắc mắc: “Cái quỹ này tôi thấy không minh bạch được và người dân chẳng bao giờ biết cái tiền quỹ này chi tiêu như thế nào?”. Đồng quan điểm, bạn đọc cho rằng những thông tin về sử dụng và điều hành quỹ vẫn chưa rõ ràng. “Quỹ bình ổn được quản lý như thế nào? Tiền lãi từ quỹ là số tiền rất lớn, có đem gửi NH với lãi xuất ưu đãi hay lãi không kỳ hạn? Quỹ sẽ tốt khi quản lý thật tốt.” Bạn đọc Phương Long viết.

Bên cạnh đó, một bộ phận bạn đọc cho rằng giá xăng dầu nên vận hành theo quy luật thị trường. “ Tôi rất đồng tình, cứ để thị trường điều chỉnh, không cần quỹ này quỹ kia rồi lại có thêm bộ pận quản lý quỹ.” Bạn đọc Hoang Hai Nguyen cho hay.

Lo lắng về giá xăng sẽ tăng gấp đôi nếu như bỏ Quỹ bình ổn. Nick name Tiên Sĩ Nghiệp Dư cho rằng: “Thật ra bỏ quỹ bình ổn xăng dầu xong mà giá tiệm cận được giá thế giới thì hay quá. Chỉ sợ bỏ quỹ xong giá gấp đôi thế giới cơ.”

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới. Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. 

Ngoài ra, theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, hiệp hội này kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bỏ Quỹ bình ổn giá, VINPA tin rằng, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.