Khác với thị trường xe mới, việc mua xe cũ tốn nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro hơn. Bên cạnh ngoại hình, trang bị và các chi tiết hỏng hóc, số kilomet (công-tơ-mét) chiếc xe đã đi được cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe ô tô cũ của khách hàng.
Xe ô tô đi được 50.000km là nhiều hay ít?
Số công-tơ-mét mà một chiếc xe hơi đi trong một khoảng thời gian nhất định có thể được xem là nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả thời gian sử dụng và cách điều khiển của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp một chiếc ô tô đi được 50.000km (5 vạn) trong vòng 2 năm, có thể nói đó là một số km trung bình hoặc đáng chú ý.
Nếu chủ sở hữu sử dụng xe hàng ngày hoặc phải di chuyển nhiều trong công việc, thì số km này có thể được coi là trung bình hoặc ít. Tuy nhiên, nếu chiếc xe được sử dụng trong một môi trường đô thị tắc đường hay bị tác động bởi điều kiện địa hình khắc nghiệt, thì số km này có thể được coi là nhiều hơn so với trường hợp sử dụng xe trong môi trường đường trường trống rộng.
Vậy mua xe ô tô cũ thì có nên tin hoàn toàn vào số công-tơ-mét?
Số công-tơ-mét (số kilomet hoặc ODO mà xe đã đi được) chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của xe cũ. Đặc biệt, chủ xe có thể thay thế số ODO hiển thị trên ô tô một cách dễ dàng và nhanh chóng. Do đó, khó có thể biết được chiếc xe có thực sự chạy đúng với số ODO trên đồng hồ hiển thị hay không.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam nói riêng, việc tua lại đồng hồ công-tơ-mét được thực hiện khá dễ dàng với chi phí thấp và hầu như ở tất cả các dòng xe. Do đó khi mua xe cũ, điều mà người mua lo lắng không chỉ là xe bị tại nạn, bị ngập nước hay thủy kích mà còn lo lắng việc đồng hồ công tơ mét đã được điều chỉnh lại.
Nên kiểm tra kỹ những chi tiết nào khi mua xe ô tô cũ?
Khác với việc mua xe mới, mua xe ô tô cũ chứa nhiều rủi ro hơn. Ngày nay, các chủ xe cũ thường dùng những chiêu trò chắp vá những lỗi hư hỏng nặng trên xe cũ nhằm qua mặt khách hàng. Nếu như chưa thực sự có kinh nghiệm về việc chọn mua xe cũ và không muốn tiền mất tật mang, bạn có thể tham khảo mà CafeAuto sẽ liệt kê dưới đây.
Kiểm tra các thông số của xe bao gồm: Năm sản xuất của xe, năm mà xe được đăng ký (lần đầu và các lần sau đối với xe đã đổi chủ), số lần thay đổi chủ xe. Những thông tin này, bạn có thể kiểm tra được dựa vào giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của xe. Năm đăng ký lần đầu chính là thời điểm chiếc xe bắt đầu lăn bánh, từ đó có thể tính được số km trung bình tương ứng với số năm đã đi.
Kiểm tra lịch sử bảo dưỡng của xe: Trong thời gian sử dụng xe, các chủ sở hữu thường sẽ đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ tại các garage xe. Và hoạt động đó sẽ được các thợ bảo dưỡng ghi lại thông tin trong sổ nhật ký bao gồm: Số ki-lô-mét, thời gian, nội dung bảo dưỡng/sửa chữa…
Kiểm tra hiện trạng nội thất – ngoại thất xe: Một cách kiểm tra thực tế để biết công-tơ-mét của xe có bị tua ngược hay không chính là quan sát các chi tiết nội ngoại thất để đánh giá độ hao mòn của phụ tùng xe.
Kiểm tra gầm xe: Gầm xe là một trong những yếu tố quan trọng cần kiểm tra do các xe đã sử dụng nhiều gầm xe sẽ bị mục, rỉ sét, có nhiều vết lõm do gạch đá văng lên nhiều lần hoặc bị cấn khi lên xuống lề đường. Qua chi tiết này cũng có thể đánh giá mức độ sử dụng xe của chủ cũ.
Lái thử xe: Việc lái thử xe sẽ cho người mua có được những cảm nhận về khả năng vận hành, các tiếng động, độ rung của xe, độ trễ của chân ga…
Sau khi tự mình kiểm tra một số những chi tiết phía trên mà vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, người mua có thể đưa xe đến các garage uy tín hoặc tại các trung tâm chính hãng. Tuy sẽ mất thêm chi phí, nhưng đây là cách đáng tin cậy nhất để kiểm tra hiện trạng xe một cách tổng thể trước khi đưa ra quyết định mua xe.