Tiện ích, - 04/02/2016 06:01 PM
Câu hỏi từ bạn đọc CafeAuto có nội dung: trên đường đi, khách có lời giục hối với tài xế taxi khiến xe chạy gặp va chạm thì có liên quan đến bồi thường cho nạn nhân không?

Do cuộc họp kết thúc muộn và sắp tới giờ bay nên tôi đón taxi để đi nhanh hơn. Thời gian gấp nên tôi có giục hối taxi nhưng tài xế nói là không thể chạy nhanh được vì đường đông, đến đoạn đường vắng hơn thì tôi nói là sắp trễ giờ bay nên tài xế vội nhấn ga nhanh hơn, đến đoạn ngã tư dừng đèn đỏ thì xe phanh gấp và đụng vào đuôi xe một chiếc ô tô khác.

Tôi quan sát thấy đuôi xe bị đụng móp ở góc phải và vỡ phần choá đèn pha sau, hai tài xế taxi xuống cự cãi và CSGT gần đó tới giải quyết. Tài xế của xe tôi nói là do tôi thúc hối nên không làm chủ tốc độ, còn tôi thì nói lại là do tâm lý tài xế, bởi vì tôi giục cũng đâu thể ảnh hưởng đến sự làm chủ tay lái của tài xế.

Cuối cùng, cả 3 bên đều phải giải quyết với CSGT mất gần 2 tiếng đồng hồ và tôi bị lỡ chuyến bay. Sau đó, CSGT xử lý rằng lỗi chính vẫn là ở tài xế bên xe tôi, người tài xế này chịu 70% bồi thường, phần còn lại thì tôi chịu. Tôi nhất quyết không chấp nhận cách giải quyết này. Cuối cùng, tài xế này thoả thuận và năn nỉ giúp đỡ nên tôi đành chịu 20%, nhưng thực sự vẫn không thể hài lòng và hẹn đến hãng taxi này làm việc lại sau.

Mong các chuyên gia giải đáp thêm tình huống này. 

Tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định nghiêm cấm hành vi: “Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu; Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn….”

Mặt khác, Tại Điều 42 thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của lái xe như sau:

1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải.

2. Thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền; trả hóa đơn cho hành khách khi hành khách đã thanh toán đủ tiền.

3. Giữ gìn vệ sinh phương tiện, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình hoặc để phá sóng, làm nhiễu tín hiệu GPS, GSM.

4. Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe.

5. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm; có quyền từ chối vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, hoặc động vật sống.

6. Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động.”

Do đó, việc CSGT để xuất giải quyết người tài xế này chịu 70% bồi thường, phần còn lại khách hàng chịu là không thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông. Vì pháp luật chỉ quy định trách nhiệm đối với người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành quy định về đảo bảo an toàn giao thông, chứ không quy định trách nhiệm đối với hành khách khi tham gia giao thông.

Việc lái xe taxi gây tai nạn là lỗi của lái xe taxi và trước hết lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bên thứ ba. Mặt khác, theo quy định trên tài xế taxi có quyền lựa chọn từ chối vận chuyển hành khách khi có yêu cầu gây mất an toàn khi điều khiển xe đó là khách hàng thực hiện hành vi yêu cầu đi nhanh của khách hàng. 

Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.