Tiện ích, - 18/05/2020 08:24 PM
“Nóng thế này thì ai mà chịu được. Người chứ có phải là máy đâu” là câu than thân quen thuộc của các công dân xứ nóng. Nhưng đến với mùa hè ở nước ta, liệu có phải cỗ máy nào cũng đủ tự tin để chịu được nhiệt?

Sơn ngoại thất xuống cấp

Với trách nhiệm làm lớp áo bảo vệ nên sơn xe là chi tiết đầu tiên đối đầu và bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ cao làm các phân tử sơn luôn trong tình trạng giãn nở và khi mối liên kết suy yếu thì cũng là lúc dễ bị tổn thương nhất. Chiếc xe nhanh chóng trở nên cũ kỹ do lớp sơn bên ngoài đã bị phai màu. Không chỉ vậy, do sơ ý hoặc thói quen, nhiều chủ xe thường rửa xe trong khi nhiệt độ trên thân xe vẫn còn cao. Điều này dẫn đến việc xà phòng nhanh khô và để lại trên lớp sơn ngoại thất những cặn bám xấu xí, khó làm sạch.

Ắc quy “chết”

Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng rằng ắc-quy thường chỉ gặp vấn đề vào mùa đông do thời tiết giá lạnh; nhưng thực tế, nền nhiệt cao cũng gây ra những phiền phức không nhỏ cho phụ tùng này.

Thời tiết mùa hè  dễ làm chất lỏng bay hơi; do đó, lượng dung dịch bên trong không còn đạt chuẩn dẫn đến cấu trúc sinh điện bị ảnh hưởng và chết ắc-quy. Ngoài ra, nhiệt độ môi trường và dưới nắp ca-pô cao chưa bao giờ là điều kiện lý tưởng dành cho các loại pin hay ắc-quy. Hiện tượng chập cháy do mất cân bằng xung điện là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Da và nhựa nội thất bị giảm tuổi thọ

Đỗ xe dưới trời nắng luôn là một trong những cơn ác mộng của anh em yêu xe. Khi nhiệt độ ngoài trời là 35⁰C thì trong khoang cabin có thể lên tới hơn 65⁰C chỉ sau khoảng 40 phút. Hãy tưởng tượng nếu nền nhiệt ngoài trời lên đến 40⁰C thì trong xe nóng tới mức như thế nào? Không chỉ nhiệt độ, mà tia UV cũng là kẻ thù không đội trời chung với đồ nhựa và da hay giả da. Dưới ảnh hưởng của hai tác nhân này, nội thất của xe, đặc biệt là phần nhựa táp-lô, sẽ nhanh chóng bị giảm tuổi thọ và nứt hỏng.

Ngoài yếu tố về mặt thẩm mỹ, trong quá trình các chi tiết nhựa bị lão hóa do nhiệt độ cao sẽ giải phóng ra các loại khí độc và mùi khó chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.

Lốp xe lão hóa

Lốp xe là chi tiết luôn phải chịu những yếu tố tác động khắc nghiệt nhất cho dù xe hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Nhiệt độ môi trường vào mùa hè đã cao; nhưng do đặc tính hoạt động phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đường có nhiệt độ còn lớn hơn kèm theo lực ma sát lớn, nên mức nhiệt trên bề mặt lốp còn cao hơn rất nhiều. Điều này khiến áp suất lốp tăng lên và rất có thể dẫn đến nổ lốp hoặc tạo ra sự chênh lệch giữa các lốp làm cho chiếc xe mất đi sự ổn định do không đủ lực bám lên mặt đường.

Một điểm khác cũng làm lốp xe nhanh bị xuống cấp vào mùa hè hơn là các cơn mưa bất chợt trong thời tiết oi nóng làm cho nhiệt độ thay đổi thất thường.

Hệ thống điều hòa trục trặc

Đây là một trong những thiết bị dễ gặp sự cố hư hỏng nhất vào mùa hè. Lý do đơn giản là vì tài xế thường phải cho dàn lạnh chạy hết công suất để đối phó với sự ngột ngạt của môi trường bên ngoài; vì vậy, áp lực dành cho hệ thống điều hòa tăng lên rất nhiều và các chi tiết gặp phải sự cố hỏng hóc là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hao hụt nhiên liệu

Thông thường, người dùng cho rằng xe sẽ ăn xăng hơn vào mùa hè do hệ thống làm lạnh cần nhiều năng lượng để hoạt động hơn. Điều này đúng nhưng có lẽ chưa đủ.

Một bài học vật lý cơ bản là khi nhiệt động tăng lên đủ cao, một lượng xăng trong bình nhiên liệu sẽ chuyển sang dạng hơi (khí) và làm áp suất bên trong tăng lên. Để hạn chế việc áp suất tăng quá cao, các kỹ sư đã tạo ra một hệ thống các đường ống trữ hơi xăng ở đó và xe có thể sử dụng khi cần. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể làm các đường ống này bị rò rỉ hoặc nứt vỡ ;và thế là hơi xăng cùng hầu bao của chủ xe cứ theo đó mà cuốn theo chiều gió.

Để hạn chế tối đa nguy cơ các sự cố có thể xảy ra, người sử dụng nên:

  • Mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng tại các gara uy tín trước mỗi thời điểm giao mùa.
  • Thường xuyên để ý đến những bất thường trong quá trình sử dụng. Bổ sung kịp thời các dung dịch làm mát và dầu bôi trơn.
  • Nên đỗ xe tại những nơi thoáng mát như hầm để xe của các tòa nhà, hoặc ít nhất là trong bóng râm.
  • Nếu bắt buộc phải đỗ xe dưới trời nắng, chủ xe nên chuẩn bị các trang thiết bị chống nóng. Tuy nhiên, đã có thử nghiệm thực tế chứng minh bạt phủ kín toàn bộ thân xe thậm chí còn làm cho nhiệt độ trong xe tăng cao hơn cả khi không sử dụng bất kỳ biện pháp nào. Do đó, nên sử dụng loại bạt hoặc ô che để vừa tránh nắng chiếu trực tiếp vào xe, vừa tạo không gian thoáng đãng xung quanh để xe có thể tự tỏa nhiệt. Dán phim cách nhiệt chất lượng cao cũng là một việc nên làm để bảo vệ nội thất.

 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.