Tiện ích, - 19/09/2016 11:21 PM
Câu hỏi từ bạn đọc CafeAuto có nội dung: Tôi điều khiển xe ô tô mà gián tiếp gây tai nạn dẫn đến chết người thì phải hỗ trợ bên bị hại như thế nào?

Tôi điều khiển xe ô tô mà gián tiếp gây tai nạn dẫn đến chết người thì tôi phải hỗ trợ bên bị hại như thế nào? Khi xảy ra tai nạn, hai xe không va chạm với nhau và phần lỗi chính thuộc về người bị hại, tôi chỉ gián tiếp gây ra tai nạn cho người đó.Tôi biết mình vẫn sẽ phải chịu một phần trách nhiệm.Vậy tôi phải làm thế nào?Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Việc điều khiển xe ô tô gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì người điều khiển không những bị truy cứu trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điều 202 Bộ luật hình sự). Nếu như bạn hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn trên thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc bạn có lỗi hay không có lỗi phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Bộ luật dân sự 2005 có quy định riêng về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Mặt khác theo nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 06/08/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì ngay cả khi không có lỗi nhưng chủ sở hữu xe vẫn phải bồi thường thiệt do đây là phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

Như vậy, trên thực tế nếu bạn không thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì bạn vẫn phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì bạn có thể thỏa thuận mức bồi thường và phương thức bồi thường với bên người bị thiệt hại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường sẽ thực hiện theo quy định tại điều 610 bộ luật dân sự  và được hướng dẫn  tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP:

-  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.

-  Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

-  Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

-  Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.