Tin xe, - 23/11/2018 04:24 PM
Trong những cuộc chơi mang tính cách mạng như xe điện (EV), sẽ không thể thiếu sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe hơi. Và tất nhiên, BMW cũng không phải là ngoại lệ.

Có một sự thật là gã khổng lồ của Đức đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ xe điện từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Dù cho mọi thứ được thực hiện từng bước chậm rãi và không quá rầm rộ nhưng BMW đã xây dựng được một nền móng khá vững chắc cho những cuộc chiến trong tương lai. Bên cạnh vị thế hàng đầu đối với những sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong (ICE) truyền thống, tập đoàn xe hơi tới từ vùng Bavaria cũng đang chứng tỏ quyền lực trong mảng sản xuất và kinh doanh EV.

Chỉ tính riêng trong năm ngoái, BMW đã bán ra  hơn 100.000 chiếc xe điện trên toàn cầu và đang tích cực để hoàn thành mục tiêu 140.000 xe trong năm nay. Như vậy, mức tăng trưởng trong năm 2018 của mảng xe điện BMW sẽ đạt tới 40% nếu đạt được cột mốc nêu trên. Và đến hết năm 2019, hãng này đặt ra chỉ tiêu doanh số nửa triệu chiếc đối với phân khúc xe điện. Dù vậy, những chiếc xe chạy bằng pin đang chỉ chiếm 5% tổng doanh số của BMW ở thời điểm hiện tại. Dù còn khá khiêm tốn nhưng vẫn là một thành tích đáng để học tập với nhiều thương hiệu khác.

Quá khứ

Tại kỳ thế vận hội Olympics 1972 diễn ra ở Munich, hai chiếc BMW 1602 màu cam đã được sử dụng để hỗ trợ cuộc thi marathon. Các vận động viên có thể tập trung thi đấu hết mình mà không lo hít phải khí độc thải ra từ những chiếc xe bởi chúng đã được hoán cải thành xe điện 1602e. Khối động cơ ICE và thùng xăng nguyên bản đã được các kỹ sư của BMW loại bỏ và thay bằng mô-tơ điện và 12 khối pin a-xít chì, kết hợp với đó là hệ thống phục hồi năng lượng từ phanh. Đó chính là mẫu EV đầu tiên trong lịch sử của BMW.

Tuy nhiên, 1602e không có khả năng cắm sạc nên toàn bộ những khối pin nặng tới gần 320kg cần được thay thế để xe tiếp tục chạy. Được biết, chiếc xe này có thể chạy liên tục gần 64km khi duy trì vận tốc 48km/h. Tuy nhiên, trong giao thông đô thị thì con số này giảm xuống chỉ còn chưa đầy 32km. Trong những năm 1970, BMW tiếp tục theo đuổi công nghệ EV và đã trình làng LS Electric vào năm 1975. Chiếc xe này sử dụng động cơ điện một chiều do Bosch cung cấp và số lượng khối pin giảm xuống còn 10. Tuy nhiên, tốc độ tối đa cũng như phạm vi hoạt động của LS Electric đều thua 1602e.

Công việc nghiên cứu tiếp tục được thực hiện dẫn tới sự ra đời của mẫu EV thứ ba được phát triển từ chiếc 325iX. Bằng việc sử dụng pin NaS (natri-lưu huỳnh), chiếc xe này có phạm vi di chuyển lên tới 150km, một thành tích đáng nể trong thập niên 1980. Đến năm 1991, mẫu xe điện đầu tiên của BMW được phát triển mới hoàn toàn đã ra đời với tên gọi E1. Đó là một chiếc xe đô thị, tiền thân của i3 ngày nay với phạm vi hoạt động khoảng 200km sau mỗi lần sạc. Thế hệ thứ 2 của sản phẩm này ra mắt chỉ một năm sau đó với tên gọi E2.

Trong quãng thời gian hơn chục năm sau đó, BMW vẫn duy trì tham vọng EV của mình và bất ngờ đánh dấu sự trở lại với dòng xe này bằng chương trình cho thuê những MINI Coupe hoán cải chạy điện có tên gọi MINI-E. Các khách hàng tại Los Angeles và New York/New Jersey chỉ phải trả 850 USD/tháng để sử dụng phương tiện này trong vòng 1 năm. Và nhìn chung họ đều cho thấy những phản hồi rất tích cực, dù khoang chứa đồ đã phải hi sinh làm nơi bố trí khối pin 35kWh.

Tiếp nối MINI-E là 1 Series ActiveE – bước tiến tiếp theo trong dự án Megacity Project với những mẫu xe điện nhỏ xinh, linh hoạt dành cho giao thông đông đúc trong đô thị. Những nguyên mẫu thử nghiệm ban đầu của dự án này được coi là tiền thân của những i3, i8 mà chúng ta được thấy ngày nay.

Hiện tại

Vào năm 2010, BMW bắt đầu cho thấy mình đã sẵn sàng để vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện. Không chỉ có khả năng tạo nên những mẫu EV thực dụng và lôi cuốn mà cách tiếp cận của BMW còn là hiện thân tiêu biểu cho sự chuyển dịch cần thiết của giao thông đô thị trong thế kỷ 21. Theo đó, các kỹ sư của tập đoàn này đã tạo nên một kết cấu khung thân trọng lượng nhẹ hoàn toàn mới. Nó có tên gọi LifeDrive và được chế tạo hoàn toàn từ vật liệu sợi các-bon. Đồng thời, BMW cũng quy hoạch sẵn sẽ sản xuất loại EV mới tại nhà máy ở Leipzig.

Một thời kỳ mới được đánh dấu bằng sự ra mắt bộ đôi i3 và i8 – mẫu plug-in hybrid (PHEV) mang phong cách siêu xe. Trong đó, chiếc xe điện i3 sở hữu thiết kế khối hộp khá kỳ lạ và sử dụng không ít chất liệu trang trí đắt tiền. Và đây cũng chính là điểm gây mâu thuẫn cho sản phẩm này bởi tính năng chưa thực sự nổi trội, nhất là phạm vi di chuyển chỉ khoảng 130km ở thế hệ đầu tiên. Được biết, giá bán của i3 có thể lên tới 50.000 USD – tiệm cận một chiếc 5 Series.

Sau năm đỉnh cao 2015, doanh số của i3 tại Mỹ đã tụt dốc liên tục dù cự ly di chuyển đã được cải thiện ít nhiều. Từ những bài học rút ra đối với i3, BMW đã quyết định sẽ theo đuổi những chiếc xe điện ít ‘kỳ dị’ hơn. Chính giám đốc thiết kế của hãng này đã đưa ra nhận định trên. Ít nhất thì trong vài năm tới, chúng sẽ mang phong cách phổ thông để khách hàng lựa chọn mà không có sự khác biệt đáng kể về thiết kế so với những sản phẩm hiện tại.

Tương lai

Như đã nói ở trên, những mẫu xe điện tương lai của BMW sẽ có kiểu dáng phổ thông hơn, tiệm cận với những chiếc xe ICE hiện tại. Nhưng liệu đó đã là tất cả? Robert Irlinger, người đứng đầu bộ phận BMW I cho biết khởi đầu với i3 như vậy là tạm ổn. Nhưng có điều, trong lĩnh vực EV hiện tại, phạm vi 300km dường như là ngưỡng tối thiểu để các khách hàng có thể chấp nhận. Thậm chí, ông còn cho rằng con số đó có thể lên tới 640km để đảm bảo chắc chắn hơn.

Và như vậy một danh sach bao gồm các model xe điện của tập đoàn này đã được đưa ra với những con số khá thuyết phục. Trong đó, MINI-E thế hệ mới ra mắt trong năm sau sẽ có phạm vi ít nhất là 320km. Còn mẫu crossover iX3 bán ra chính thức vào năm 2020 sẽ có phạm vi di chuyển hơn 400km sau mỗi lần sạc. Một năm sau đó là chiếc sedan i4 với cự ly hoạt động đạt tới 640km. Ngoài ra, phiên bản sản xuất dựa trên nền tảng iNext thậm chí còn có thể đi xa hơn thế nữa.

Bên cạnh việc nâng cao quãng đường di chuyển cho những sản phẩm thuần chạy điện, BMW cũng cải thiện khả năng chạy bằng điện của các biến thể PHEV sẽ xuất hiện trên mọi dòng sedan và SUV của tập đoàn này.

Trong thời gian tới, BMW sẽ tung ra 3 tùy chọn pin khác nhau dành cho những mẫu xe điện của mình, bao gồm loại 60kWh, 90kWh và cao nhất là 120kWh. Không chỉ dừng lại ở các khối pin, nhà sản xuất này cũng sẽ sớm giới thiệu loạt động cơ điện mới do chính BMW phát triển. Những cỗ máy này có công suất từ 135 mã lực và lên tới 400 mã lực. Và với những hệ thống gồm nhiều mô-tơ mạnh 400 ‘ngựa’, BMW dư sức cho ra những siêu xe điện thực thụ. Được biết, quy trình sản xuất các model EV có thể được tích hợp ngay vào dây chuyền của những chiếc xe ICE thay vì cần một phân xưởng chuyên biệt.

‘Cú hãm phanh’ cần thiết

Vào tháng 9 năm 2017, CEO Harald Kruger đã tuyên bố tập đoàn xe hơi của Đức sẽ cho ra mắt tổng cộng 12 mẫu EV và 13 model PHEV từ giờ cho tới năm 2025. Và chỉ vài tháng sau đó, BMW tiếp tục hé lộ quyền sở hữu các công thức định danh đối với những mẫu EV tương lai, i1 đến i9 là dành cho dòng xe con và iX1 đến iX9 dành cho những chiếc xe thể thao đa dụng và crossover. Với những kế hoạch và tham vọng liên tục được hé lộ trong thời gian qua, rất nhiều người đang trông chờ vào sự bùng nổ của BMW trong tương lai, song hành cùng những đối thủ đồng hương.

Tuy nhiên, dường như bước tiến của BMW đang có dấu hiệu chậm lại, giống như một khoảng lặng đáng sợ trước cơn bão. Theo chia sẻ được đưa ra vào tháng 10 vừa qua của ông Klaus Frolich – thành viên ban quản trị phụ trách công tác phát triển, BMW đang gặp khó khăn đối với những khối pin. Vị này cho biết, những cell pin có dung lượng 90-100kWh đã có giá thành lên tới 17.000-25.000 USD. Điều đó có nghĩa là chỉ riêng tiền pin đã tương đương với chi phí sản xuất một chiếc xe thường. Chưa hết, vị này cũng cho biết tới năm 2030, số lượng xe thuần điện của BMW cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng số model.

Một nhân vật cấp cao khác tại BMW cũng hé lộ những thông tin không mấy tích cực về con đường EV chính là CEO Harald Kruger. Chia sẻ này được đưa ra chỉ đúng 6 tháng sau khi vị này hứa hẹn về một viễn cảnh tươi sáng của những mẫu xe điện. Lý do được đưa ra cũng trùng khớp với thông tin mà Frolich đã nêu. Theo đó, BMW hiện không thể mở rộng sản xuất loại phương tiện này do những hạn chế của công nghệ pin thế hệ hiện tại. Họ muốn chờ các bước tiến trong lĩnh vực này ở thế hệ tiếp theo với chi phí cạnh tranh hơn nhiều.

“Nếu muốn chiến thắng trong một cuộc đua, bạn cần phải có khả năng cạnh tranh cao nhất về mặt chi phí”. Đó là một câu nói của ông Kruger nhưng đồng thời cho thấy phương châm hành động của BMW – chỉ đánh khi đã chắc thắng hoặc có nhiều lợi thế hơn. Đây cũng là một truyền thống được lưu giữ từ xưa của nhà sản xuất này nếu nhìn lại lịch sử khi BMW đã không ít lần quyết định khai tử những dự án cực ‘hot’, trong đó có chương trình siêu xe M8 (1991).

Theo trang tin chuyên về lĩnh vực xe điện InsideEVs, BMW đã bắt tay ngay vào quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ pin và EV thế hệ thứ 6. Và để thực hiện điều này, BMW đã đầu tư không dưới 200 triệu USD nhằm tìm ra các giải pháp đột phá cho quy trình sản xuất xe điện quy mô lớn. Mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước.

Cách đây ít lâu, chúng tôi cũng đã chia sẻ một bài viết trên trang tin Road&Track về việc các nhà sản xuất có cần thiết phải cuốn theo các cuộc đua xe điện, xe tự lái như hiện nay hay không. Và quan điểm của tác giả bài viết đó cũng có thể được vận dụng để thấu hiểu hơn về bước đi của BMW. Chưa hẳn BMW đã chậm chân hơn các đối thủ nhưng dù có chậm hơn thì cũng chẳng sao. Bởi lẽ, kẻ giành chiến thắng chưa chắc đã là người đi đầu tiên, nhất là trong những cuộc đua gắn liền với công nghệ.

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.