Thị Trường, - 15/12/2011 03:46 PM
Hà Nội và TPHCM vừa quyết định tăng lệ phí trước bạ xe hơi thêm 5-10% so với trước, coi đây là biện pháp hạn chế xe hơi cá nhân, giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn nhất nước. Liệu giải pháp này có khả thi?

Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội kỳ họp thứ 3 khóa XIV ngày 7-10/12/2011 vừa thông qua quyết định tăng lệ phí trước bạ đối với xe hơi dưới 10 chỗ ngồi lên mức 20%, áp dụng từ đầu năm 2012. Trước đó, chiều ngày 7-12, Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng đã thông qua tờ trình của UBND Thành phố về nâng mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi trên địa bàn thành phố từ 10% lên 15%.

Việc tăng lệ phí trước bạ ô tô của Hà Nội và TPHCM có cơ sở pháp lý từ Nghị định 45/2011/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành tháng 6 vừa qua (thay cho Nghị định 80/2008/NĐ-CP trước đây), theo đó mức thu lệ phí trước bạ đối với xe hơi chở người dưới 10 chỗ ngồi được điều chỉnh từ mức 10-15% lên mức 10-20%, mức cụ thể áp dụng tại từng tỉnh thành do Hội đồng Nhân dân từng địa phương ấn định.

Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM giải thích, mục đích của việc tăng phí là để hạn chế xe cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông và tăng nguồn thu ngân sách thành phố.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia kinh tế, tăng lệ phí trước bạ để hạn chế sự gia tăng của ô tô, giảm ùn tắc giao thông là ý kiến không thực tế. Nếu các thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM áp dụng mức lệ phí cao hơn các tỉnh thành lân cận, người mua xe sẽ nhờ người thân đứng tên, mua xe ở tỉnh khác và đưa về Hà Nội, TPHCM để sử dụng. Điều đó đã xảy ra đối với phương tiện xe máy trước đây. Việc tăng lệ phí trước bạ cũng sẽ không hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người nhiều tiền đủ sức chi hàng tỉ đồng để mua ô tô thì việc nộp lệ phí trước bạ với vài trăm triệu đồng không phải là khó khăn. Song, đó lại là biện pháp làm tăng giá cả thị trường.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, việc hạn chế người dân sở hữu và sử dụng xe hơi thông qua các chính sách tăng thuế nhập khẩu, tăng lệ phí trước bạ cũng có thể mang lại những tác động không thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp xe hơi.

Số lượng xe hơi ít ỏi là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân ngần ngại không muốn bỏ vốn xây dựng cầu-đường theo phương thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) vì không có khả năng thu hồi vốn đầu tư trong khoản thời gian đã định. Trường hợp cầu Phú Mỹ ở quận 7, TPHCM là một ví dụ. Hồi tháng 6-2012, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) - chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ - đã kiến nghị UBND TPHCM xin được giãn nợ hoặc được vay 1.000 tỉ đồng để trả nợ trong 5 năm tới hoặc công ty sẽ bàn giao lại cầu Phú Mỹ cho UBND TPHCM. Ông Nghiêm Sỹ Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị của PMC nêu rõ, do lượng xe ô tô (đối tượng bắt buộc thu phí) qua cầu Phú Mỹ quá ít - khoảng 5.000 lượt xe/ngày (dự kiến ban đầu từ 30.000 - 35.000 lượt xe/ngày) nên việc thu phí không đủ để trả nợ vốn vay và lãi ngân hàng.

Phải chăng, nhà nước đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: giảm số lượng xe hơi cá nhân (qua việc tăng thuế, tăng lệ phí trước bạ) để giảm ùn tắc giao thông hoặc khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu hoạt động của lượng xe hơi ngày càng tăng?

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.