Theo số liệu bán hàng do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast công bố, trong 6 tháng đầu năm nay đã có tổng cộng 142.964 chiếc ô tô du lịch các loại được bán ra thị trường, sụt giảm đến 43.4% so với cùng kỳ năm ngoái (252.932 xe). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này là do suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng trong nước thắt chặt chi tiêu.
Tương tự cùng kỳ năm ngoái, Toyota tiếp tục là thương hiệu bán được nhiều xe nhất tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 26.637 chiếc xe Toyota, chiếm 18% thị phần và giảm 38.1% so với năm ngoái (43.085 xe). Có được kết quả này là nhờ sức bán khá tốt của những mẫu xe như Toyota Corolla Cross (6.341 xe) và Vios (5.425 xe).
Thương hiệu đứng thứ 2 về doanh số từ đầu năm đến nay vẫn là Hyundai với 23.126 xe bán ra, giảm 36.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với Hyundai, những mẫu xe có doanh số nổi bật gồm Accent (7.452 xe) và Creta (4.437 xe).
Đứng thứ 3 là thương hiệu Ford với 17.423 xe bán ra, tăng đến 79.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ford cũng là thương hiệu duy nhất tăng trưởng doanh số trong 6 tháng đầu năm nay. Những mẫu xe đóng góp công lớn cho thành công này của Ford là Ranger (7.600 xe), Everest (4.411 xe) và Territory (3.473 xe).
Thương hiệu bán chạy thứ 4 tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là KIA với 17.241 xe. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số cộng dồn của KIA giảm đến 51.4%. Hai mẫu xe bán chạy nhất của KIA trong nửa đầu năm nay là Sonet (4.436 xe) và Seltos (3.304 xe).
Thương hiệu chốt top 5 chính là Mazda với tổng lượng xe bán ra trong nửa đầu năm nay đạt 14.089 xe, chiếm khoảng 11% thị phần và giảm 27.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu Nhật Bản này là Mazda CX-5 (5.423 xe) và Mazda 3 (2.588 xe).
Từ tháng 7 này, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ. Có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, chính sách này được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích cho thị trường xe trong nước.