Thị trường ô tô, - 16/04/2020 03:00 PM
Giá bán, thiết kế, trang bị, động cơ… và thêm nhiều lý do giúp một mẫu xe đạt doanh số thành công. Nhưng nếu một mẫu xe liên tục lọt top bán chậm, thì lý do có thể là gì? Cùng CafeAuto đi tìm hiểu tại sao những cái tên như Land cruiser, Accord, Swift lại phải chịu số phận hẩm hiu, bán chậm.

Ế vì…giá thách cưới cao

Một cái tên thường trực trong danh sách xe bán chậm tại thị trường Việt Nam là mẫu SUV hạng sang cỡ lớn Toyota Land Cruiser. Mẫu xe được đánh giá cao về nội thất rộng rãi, tiện ích miễn bàn, động cơ bền bỉ nhưng mức giá lên đến 4 tỉ đồng chính là rào cản khiến khách hàng quay lưng.

Cái tên tiếp theo và rất quen thuộc trong danh sách những mẫu xe bán chậm nhất là Toyota Alphard. Kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2017, Toyota Alphard vẫn luôn dẫn đầu trong danh sách 10 mẫu ôtô bán ít nhất.

Vậy điều gì khiến mẫu xe này không thể có doanh số ưng ý? Lý do lớn nhất có lẽ là mức giá, với giá niêm yết 4,038 tỷ đồng, đối tượng khách hàng mà Toyota tập trung chủ yếu là doanh nhân, các công ty, khách sạn với mục đích kinh doanh. Như vậy, Toyota tự biến Alphard thành cái tên vừa kén khách hàng vừa không phù hợp với số đông người Việt.

Một mẫu xe khác cũng ngậm ngùi nằm trong danh sách này là Honda Accord, đứng trước áp lực cạnh tranh đến từ Toyota Camry, Mazda6... mẫu xe chỉ mang lại doanh số khiêm tốn, 63 xe được bán ra trong quý I/2020.

Hiện tại, phân khúc sedan hạng D đang trở nên chật trội với ít nhất 5 cái tên góp mặt trong cuộc đua doanh số, nay lại thêm sức ảnh hưởng từ tân binh VinFast LUX A2.0. Cộng với mức giá bán cao, lên đến 1,319 tỉ đồng, Accord còn chịu sức ép từ Volkswagen Passat hay Mercedes-Benz C180 đang nhăm nhe tranh thị phần.

Độc giả Trần Khánh Quốc bày tỏ: “Nếu mua để sử dụng thì Accord là sự lựa chọn tốt, xe thiên về cảm giác lái, tuy nhiên ai cũng hiểu một điều rằng khi bán lại sẽ bị mất giá nên chưa được ưa chuộng.”

Ế vì…chưa gặp thời

Mẫu bán tải Isuzu D-Max cũng thường ghi tên mình ở top xe có doanh số thấp nhất thị trường Việt. Trong năm 2019, việc tăng lệ phí trước bạ xe bán tải cùng áp lực cạnh tranh từ đối thủ quá mạnh trong phân khúc khiến mẫu xe đạt doanh số không mấy khả quan. Bên cạnh đó, dù đã điều chỉnh một số chi tiết thiết kế, bổ sung thêm phiên bản động cơ diesel mới nhưng tình hình vẫn không thể cải thiện.

Nhiều người thắc mắc tại sao một mẫu xe cháy hàng tại Thái Lan lại có doanh số thê thảm tại Việt Nam. Câu trả lời trực quan nhất được nhiều độc giả lý giải là vì vấn đề thị hiếu, người Việt yêu cầu chiếc xe có thiết kế bắt mắt, tiện nghi cao cấp trong khi đó người Thái Lan đề cao sự thực dụng và bền bỉ.

Ế do xấu…

Một điểm khác khiến Toyota Alphard không vừa mắt người dùng Việt chính là phần ngoại thất. Anh Thân chia sẻ: “Trước tôi làm tài xế cho công ty, chở sếp đi công tác bằng xe này nhưng cảm thấy phần ngoại thất của xe không đẹp, khá cồng kềnh, thiết kế cũ. Dù rất mắc tiền nhưng lại không cảm thấy sang trọng.”

Một mẫu xe khác cũng đồng cảnh ngộ là Suzuki Swift. Tính tổng năm 2019, dòng xe có doanh số bán tương đối tốt là 1.468 xe. Tuy nhiên, qua năm 2020, mẫu xe chủ lực của Suzuki chỉ bán được vỏn vẹn hai chiếc trong quý I/2020.

Mẫu xe chưa được người Việt đánh giá cao. Độc giả Tann bày tỏ: “Nội thất xe khá chật so với nhu cầu sử dụng, động cơ bộc lộ điểm yếu rất rõ trên hành trình dài. Bên cạnh đó, những trang bị tiện ích trên xe khá nghèo nàn, rẻ tiền khiến tôi cảm thấy chưa đáng đồng tiền bỏ ra.”

So với đối thủ cùng phân khúc, Swift chỉ được trang bị ghế lái chỉnh cơ truyền thống, hàng ghế thứ 2 không có cửa gió điều hòa. Về sức mạnh vận hành, xe sở hữu động cơ xăng có dung tích 1.2L trong khi những đối thủ trong phân khúc đã trang bị khối động cơ 1.5 lít. Xe cũng thiếu nhiều trang bị an toàn so với các đối thủ như các hệ thống cân bằng điện tử hay hỗ trợ khởi hành ngang dốc.

Hiện nay, tại thị trường Việt Suzuki Swift được bán ra với 3 phiên bản là GLX giá 549 triệu đồng, GLX Special giá 562 triệu đồng và GL giá 499 triệu đồng.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.