Thị Trường, - 17/07/2019 03:21 PM
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết. Và như thường lệ, ô tô là nhóm mặt hàng được nhiều người quan tâm khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu sẽ được thực hiện sau 7-10 năm. Khi thuế giảm, giá ô tô sẽ giảm? Đây vừa là câu hỏi vừa là kỳ vọng của nhiều người.

Giá sẽ giảm?

Tính toán về mặt lý thuyết, sau khi thuế nhập xe từ EU về 0%, với chiếc xe có giá giả định 1,5 tỷ đồng tại Đức, sẽ chỉ phải đóng thuế TTĐB 900 triệu đồng, phí trước bạ 10%, giá xe đến tay người tiêu dùng vào khoảng 2,6 tỷ đồng, rẻ hơn một nửa so với mức giá hiện nay.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Mặt khác đây cũng là chuyện của 7 đến 10 năm nữa. Trong khoảng thời gian này, chính sách của nhà nước liên quan đến mặt hàng sẽ có những chuyển biến rất nhanh chóng.

Quan trọng hơn, trên thực tế, thuế giảm giá ô tô chưa chắc đã giảm. Điều này đã được thấy rõ trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA). Tháng 1/2018, thực hiện ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô (đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%) từ các nước thành viên trong ASEAN vào Việt Nam là 0%. Tuy nhiên, năm 2018, giá ô tô trong nước không giảm xuống như kỳ vọng. Các thương hiệu có lượng xe nhập khẩu chủ lực từ ASEAN như Toyota, Honda hay Ford đều có lý do để lý giải cho việc không giảm giá như điều chỉnh chi phí, bán lỗ trước đó hay bổ sung thêm các trang thiết bị...

Vậy nên kỳ vọng những mẫu xe nhập khẩu từ EU giảm giá khi thuế giảm được cho là khá xa vời.

Bài toán từ sản xuất

Với EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có từ 7-10 năm để chuẩn bị "đối đầu" với ô tô nhập khẩu từ khu vực EU. Nhưng thời gian không đợi ai. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì quãng thời gian đó trôi rất nhanh.

Hiện trong khối EU, xe từ Đức nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2018 có 1.197 ô tô nhập khẩu từ Đức đăng kiểm lưu hành tại Việt Nam (một số nước khác như: Hungari có 26 chiếc, Hà Lan có 31 chiếc, Slovakia có 166 chiếc…).

Tại Việt Nam, hai thương hiệu mạnh, chiếm phần lớn thị phần xe sang tại Việt Nam đến từ Đức là BMW (do Công ty Ô tô Trường Hải- THACO quản lý thương hiệu và phân phối sản phẩm) và Mercedes (do Mercedes Benz- Việt Nam MBV sản xuất, nhập khẩu và phân phối).

Mercedes hiện được MBV thực hiện song song vừa nhập khẩu vừa lắp ráp. Hãng xe Đức Mercedes-Benz tham gia thị trường ô tô Việt Nam từ rất sớm, bắt đầu từ năm 1995. Mặc dù Mercedes-Benz là thương hiệu ô tô từ EU ăn khách nhất tại Việt Nam (năm 2017, doanh số của MBV đạt 7.108 chiếc; năm 2018, đạt 6.269 chiếc và quý I/2019, đạt 1.423 chiếc), song số lượng này chưa đủ để MVB đẩy mạnh sản xuất lắp ráp, vì vậy đầu tư của hãng vào sản xuất tại Việt Nam còn hạn chế.

Đối với BMW, thương hiệu này mới được "ông lớn" Thaco tiếp quản, hiện vẫn đang nhập khẩu nguyên chiếc, chưa được sản xuất lắp ráp tại Việt Nam. Mặc dù Thaco không giấu ý định và mong muốn sẽ đưa một số mẫu BMW lắp ráp tại Việt Nam, nhưng hiện ý định này chưa được thực hiện.

Ngoài ra Thaco còn sở hữu một thương hiệu xe sang khác đến từ Pháp là Peugeot và thương hiệu này đang được đẩy mạnh sản xuất trong nước. Thaco mới khánh thành nhà máy sản xuất dòng xe Peugeot ở Chu Lai, với vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, công suất 200.000 xe/năm. Hiện một số mẫu Peugeot sản xuất trong nước đang giúp Thaco tăng trưởng doanh số nhanh (năm 2017 doanh số Peugeot đạt 431 chiếc thì năm 2018 nhờ hai dòng xe lắp ráp trong nước là 5008 và 3008 tổng doanh số bán xe Peugeot trong năm 2018 đạt 4.463 chiếc). Mức tăng này được cho là kỷ lục đối với một thương hiệu xe sang tại thị trường Việt Nam tuy nhiên đối với sản xuất thì chưa "bõ bèn" gì.

Ngoài ra tại Việt Nam còn rất nhiều thương hiệu ô tô đến từ Liên minh châu Âu như Audi, Jaguar, Porches, Volkswagen, Ducaiti, Ferrari, Fiat, Bugatti,... Tuy nhiên, các dòng xe này toàn bộ là xe nhập khẩu, giá thành đắt đỏ nên chưa có doanh số ấn tượng tại thị trường Việt Nam.

Việc đầu tư, đối với mỗi doanh nghiệp, đều phải cân đối tính toán bài toán giá thành, số lượng sản phẩm. Hiện ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7-10%. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam kém xa (trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%).

Để công nghiệp hỗ trợ phát triển với những sản phẩm có chất lượng tốt, hàm lượng công nghệ cao trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn. Không nhiều nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung cấp bởi thiếu bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng.

Mặt khác sản lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định đến giá thành, mức độ cạnh tranh của sản phẩm. Số liệu từ VAMA cho thấy, hiện chỉ có 11 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt sản lượng lớn hơn 6.000 xe/năm.

Trong đó, cao nhất là mẫu Vios của Toyota Việt Nam đạt 27.000 chiếc/năm, tiếp đến là Grand i10 của Hyundai Thành Công đạt 22.000 chiếc/năm. Còn lại đều từ 6.000 đến 15.000 xe/năm. Theo tính toán, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, một mẫu xe phải đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm, gấp đôi doanh số tiêu thụ của những mẫu xe bán chạy nhất hiện nay, thì mới có hiệu quả.

Trong số các dự án đầu tư hiện nay, Vinfast là dự án sẽ có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, vì có đầu tư xưởng dập thân vỏ xe và xưởng chế tạo động cơ; Thaco và Thành Công cũng đang vươn tới mức 40%... Tuy nhiên, như đã nói, để phát triển thì một mẫu xe phải đạt doanh số 50.000 xe/năm trở lên, với sản xuất động cơ cũng tương tự, phải đạt quy mô 50.000-100.000 chiếc/năm mới có hiệu quả.

Với các FTA đã và sẽ ký, khoảng năm 2030 thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.

Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm vào thời điểm 2030. Thu nhập người dân đang ngày càng tăng và giai đoạn ô tô hóa (motorization) sẽ diễn ra sau năm 2020. Tiêu thụ xe sẽ tăng dần từ con số 300.000 chiếc/năm hiện nay lên 1 triệu chiếc/năm vào 2030.

Vậy nên chưa bàn đến chuyện giá giảm, hãy tính đến bài toán đầu tư trong nước để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Khi đủ sức vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước, giá sản phẩm, khi đó sẽ giảm.

Bao giờ thuế nhập khẩu ô tô từ EU giảm?

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký. EVFTA còn phải chờ Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu thông qua, dự kiến trong năm nay hoặc năm sau.

Khi được thông qua, theo danh mục ưu đãi thuế quan và phụ lục thuế quan EVFTA, Việt Nam sẽ thực hiện dỡ bỏ thuế quan đối với ô tô con và linh kiện sau 9 đến 10 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Cụ thể mức thuế 0% được áp dụng sau 9 năm đối với ô tô dung tích động cơ trên 2,5 L (với xe chạy diesel), trên 3.0L (đối với xe chạy xăng); sau 10 năm các loại ô tô khác; sau 7 năm đối với các loại phụ tùng ô tô; 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 phân khối.

Về điều kiện để ô tô từ EU được hưởng ưu đãi thuế 0%, theo quy định của EVFTA, xe từ EU phải có tỷ lệ nội địa hóa 55%. Tuy nhiên đây là điều kiện không có gì là khó khăn bởi trên thực tế, hầu hết các quốc gia sản xuất ô tô tại EU đều có tỷ lệ nội địa hóa rất cao và đều là những nước sản xuất được xe mang thương hiệu riêng cho quốc gia.

Hiện ô tô có dung tích dưới 3.0L nhập khẩu từ khu vực EU thực hiện theo MFN với mức thuế là 74% và ô tô có dung tích trên 3.0L là 78%. Như vậy, đến khoảng năm 2028 hoặc 2030 trở đi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam sẽ xuống mức 0%, một mức giảm được tính toán là sẽ tác động mạnh đến giá xe nhập khẩu từ khu vực này.

Theo Hải quan

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.