Nguồn tin riêng của PV.VietNamNet đã tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến hợp đồng “xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) này.
Trạm thu phí hiện tại đã thay đổi so với hợp đồng
3 năm trước, vào ngày 28/8/2014, tại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đại diện cho Bộ GTVT ký với nhà đầu tư bản hợp đồng dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, liên danh nhà đầu tư của dự án này là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (do ông Phạm Văn Hiến làm Tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 (ông Trần Quang Tuyến làm Chủ tịch HĐQT).
Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang thu phí từ 1-8 nhưng bị tài xế phản ứng.
Mục tiêu của dự án được nêu rõ trong hợp đồng là “nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 khu vực tỉnh Tiền Giang. Đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng,... ".
Tổng mức đầu tư của dự án là xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị chiếm gần 700 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 265 tỷ; chi phí dự phòng là hơn 250 tỷ; lãi vay trong thời gian xây dựng là gần 120 tỷ; chi phí quản lý dự án và chi phí khác là gần 70 tỷ.
Trong tổng số gần 1.400 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ có hơn 200 tỷ vốn chủ sở hữu (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại gần 1.200 tỷ là đi vay. Đáng chú ý, lãi suất tạm tính trong hợp đồng này lên tới 11%/năm.
Theo hợp đồng, dự án phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác “chậm nhất trong tháng 12 năm 2015”, trong đó cũng nêu rõ điều khoản được điều chỉnh thời gian.
Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng và 29 ngày, bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí.
Thực tế, đến 1/8/2017, trạm mới bắt đầu thu phí, thu được vài ngày đã bị người dân phản đối.
Liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí sử dụng đường bộ, hợp đồng ngày 28/8/2014 nêu rõ: Trạm thu phí là trạm xây mới tại khoảng km 1999+900, quốc lộ 1 thuộc tỉnh Tiền Giang. Vị trí trạm thu phí đã nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Tiền Giang, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.
Như vậy, trạm thu phí hiện tại không phải là ở vị trí như đã nêu trong hợp đồng.
Theo tìm hiểu, khi dự án sắp hoàn thành, ngày 26/8/2015, Sở GTVT Tiền Giang, UBND huyện Cai Lậy và Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (liên danh đầu tư, quản lý và khai thác dự án) họp và đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh vị trí đặt trạm thu phí, vì cho rằng khu vực dự kiến xây dựng trạm thu phí gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Thay vì đặt tại km1999+900, trạm thu phí được đề nghị dời về phía TP.HCM 600m (km1999+300). Vị trí mới này đã được chính quyền địa phương, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT chấp thuận.
Thu phí chưa đủ hoàn vốn được kéo dài thời gian thu
Trong điều khoản về Quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với công tác thu phí, Hợp đồng BOT nêu: Bảo đảm liên tục 24 giờ trong ngày, không phân biệt ngày làm việc bình thường hay ngày lễ, tết trong mọi điều kiện thời tiết.
Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí Cai Lậy khiến nhiều lần trạm này vỡ trận.
“Trường hợp có sự cố kỹ thuật hoặc các nguyên nhân khác mà trạm thu phí phải ngừng hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí, đồng thời phải báo cáo ngày cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất”, Hợp đồng ghi rõ.
Hợp đồng cũng quy định Bộ GTVT có quyền yêu cầu nhà đầu tư dừng thu phí hoặc thay đổi mức thu phí, hoặc thay đổi đối tượng thu phí theo quyết định của Bộ GTVT, Bộ Tài chính do có sự thay đổi về chủ trương, chính sách chung của nhà nước.
Ngoài ra, Bộ GTVT phải có nghĩa vụ chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư xử lý các hậu quả, bao gồm cả biện pháp bồi thường cho nhà đầu tư khi Bộ GTVT hoặc Bộ Tài chính quyết định dừng thu phí hoặc quyết định giảm giá vé, quyết định thay đổi đối tượng bị thu phí so với thỏa thuật tại hợp đồng này.
Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng và 29 ngày, bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí.
Thời hạn thu phí được điều chỉnh do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh thiết kế và dự toán; do thay đổi tổng mức đầu tư, do giá trị quyết toán thay đổi so với tổng vốn đầu tư dự án trong Hợp đồng này; do thay đổi giá vé, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ; do thay đổi lãi suất tính toán của hợp đồng này; do thay đổi thời điểm nhà đầu tư bắt đầu thu phí; do thay đổi lưu lượng xe, thành phần dòng xe dẫn đến doanh thu thực tế trung bình trong 2 năm liên tục tăng, giảm từ 5% trở lên so với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng này.
Đáng nói, trong điều khoản về sự kiện bất khả kháng, ngoài vấn đề thiên tai, chiến tranh, Hợp đồng còn đưa ra nội dung “bất khả kháng” là “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”.
Theo Vietnamnet
Điểm nóng BOT Cai Lậy bị ùn ứ nghiêm trọng, phải xả trạm ba lần khi vừa mở thu phí lại. Cùng CafeAuto điểm lại những sự kiện đáng chú ý qua Infographic dưới đây.
Nếu di dời trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư, nhưng ngân sách hạn hẹp, không có tiền làm việc này.
“Nếu thu phí trong 12 năm thì mức phí sẽ thấp hơn so với thu phí trong 6 năm. Nên khi giảm phí thì phải chấp nhận tăng thời gian thu, để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Đây là điều tất yếu phải đánh đổi giữa mức phí và thời gian thu”.
"Đối với các dự án BOT đường bộ, Việt Nam chủ yếu chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, cách làm lại tạo ra những lỗ hổng và nguy cơ để chủ đầu tư hoàn toàn rút tiền ra khỏi dự án một cách dễ dàng", ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.
Sáng 16-8, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.