Dù trong danh sách thống kê những người đàn bà quyền lực nhất trong ngành công nghiệp ô tô không thấy nhắc đến tên bà. Những thông tin về bà cũng rất ít ỏi kể cả trong và ngoài nước. Thậm chí trong thời đại “google hóa” như hiện nay, thông tin về bà, một người Mỹ gốc Việt đầy bản lĩnh, khôn ngoan cũng vô cùng “khiêm tốn”. Bà là Julie Nguyễn Brown, người sáng lập kiêm CEO của Plastech Engineered Products Inc.
Khởi đầu gian nan
Julie Nguyễn Brown rời Việt Nam vào năm 1967 khi bom đạn chiến tranh vẫn đang giày xéo trên đất nước để theo đuổi con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư khoa học máy tính tại trường đại học Tulane, bang New Orleans, vì lí do hộ chiếu không được gia hạn, bà Brown buộc phải trở về nước. Sau đó, đến năm 1975 bà trở lại Mỹ và làm việc như một chuyên viên phân tích thị trường tại California.
Với những cống hiến cho người lao động và ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ, bà Julie Nguyễn được lưu danh tại bảo tàng Automotive Hall of Fame, nơi lưu giữ tên tuổi của những người có công đóng góp vào ngành công nghiệp động cơ ô tô
Cuộc sống của bà cùng cậu em trai được báo chí phương Tây khi ấy mô tả là rất vất vả. Ngoài công việc của một người phân tích thị trường, Julie Nguyễn “chịu thương” với em và “chịu khó” với chính mình. Bưng bê, lau chùi hay bất cứ công việc gì khác để có tiền trang trải cuộc sống cho cả hai và tiếp tục học thêm đại học. Ngày bước lên bục nhận tấm bằng thạc sĩ khoa học tại trường Wayne State University, bang Michigan vào năm 1985, lại thêm một cánh cửa mới mở ra trước mắt con người đầy nghị lực ấy. Để rồi sau này, những vốn liếng thu thập từ giảng đường, thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh biến bà thành một con người với cá tính mạnh và có khả năng truyền lửa, sự nhiệt huyết cho người khác.
Vào làm việc tại Ford dường như là bước ngoặt lớn nhất để mở ra một chặng đường kinh doanh táo bạo sau này. Với vốn kiến thức đã có, Julie Nguyễn được đề xuất đứng vào hàng ngũ những kỹ sư phụ trách thiết kế cho phộ phận cản trước và sau trên dòng bán tải đình đám nhất của công ty lúc đó và sau này, F-Series. Với con mắt tinh tường, bà sớm nhận ra cơ hội tiềm năng ở mảng cung cấp phụ tùng thiết bị cho những nhà sản xuất ô tô. Bà quyết định mua lại công ty đang gặp khó khăn về tài chính lúc bấy giờ là Dynaplast Corp và đổi tên thành Plastech Engineered Products Inc vào năm 1988.
“Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp nhưng không có đủ tiền, Ford đã thấy khả năng ở tôi và đồng ý cho vay khoản tiền 250.000 USD” – Julie nhớ lại thời điểm bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Ít nhất ba năm sau, hợp đồng đầu tiên của Plastech với Ford mới được ký kết, tạo cơ hội để công ty non trẻ được sở hữu bởi một người nhập cư từ Việt Nam có được thành công ban đầu.
Người đàn bà “thép” ở Detroit
Nói về cá tính và sự khôn ngoan của Julie Nguyễn, David Cole, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu của Automotive, nhận xét:“ Bà không phải là người đầu tiên nói “không” trong những cuộc đàm phán. Không tự đề cao bản thân nhưng tỏ ra rất cứng cỏi trong công việc”. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Quyết định thâu tóm LDM Technologines đã giúp Plastech trở thành công ty hàng đầu về cung cấp thiết bị, phụ tùng cho xe ô tô tại khu vực Bắc Mỹ
Năm 2003, trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất, Plastech có một bước đi vô cùng quan trọng khi thâu tóm LDM Technologines, một công ty chuyên sản xuất những bộ phận làm từ nhựa cho ngoại thất ô tô, với giá trị 290 triệu USD. Sự kết hợp này đã biến Plastech, công ty với doanh thu 680 triệu USD/năm và LDM với 425 triệu USD lợi nhuận hàng năm, trở thành một trong những công ty cung cấp thiết bị ô tô lớn nhất tại Bắc Mỹ, thủ phủ ngành công nghiệp xe hơi của nước này.
Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2007, Plastech đã đạt lợi nhuận ròng 1.4 tỉ USD, cung cấp 90% thiết bị cho các xe ô tô được sản xuất tại Bắc Mỹ, sở hữu 40 nhà máy và 13.500 công nhân trên khắp đất nước. Sự thông minh và những quyết định dứt khoát của bà khiến đa phần các đối tác vừa kính nể vừa có chút ghen tị. “Tôi là một người phụ nữ nhập cư và là dân thiểu số tại đất nước này, nhưng tôi cho phép mình tự mở ra những cánh cửa của bản thân. Điều quan trọng là tôi thấy mình đã làm được gì khi kết thúc một ngày làm việc”, bà Brown chia sẻ quan điểm sống và làm việc của mình.
Nghị lực dám ước mơ và vươn lên của Julia Nguyễn Brown đã trở thành một tấm gương điển hình cho những Việt kiều hay những sinh viên đang theo đuổi con đường học vấn trên đất Mỹ. Ngày 15.7 năm 2006, những con người như thế ở California đã háo hức đến trường San Jose State University và nghe bà chia sẻ kinh nghiệm để trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi trong kinh doanh. Nhưng quan trọng hơn, họ được tiếp thêm ngọn lửa của niềm đam mê sống nơi bà: “Đó là khát vọng muốn thành công trong cuộc sống. Tôi đặt toàn tâm vào kế hoạch mà mình đã đặt ra, duy trì và cố gắng làm cho nó tốt và tốt hơn nữa”.