Khi đang lái xe trên làn đường ô tô có dải phân cách thì bất ngờ tôi thấy có một người đi bộ qua đường, băng qua dải phân cách và ôm trên tay con vật nuôi là một con chó nhỏ. Không may con chó con vừa xổng khỏi tay chủ và bị bánh trước của tôi cán phải, lúc này tốc độ điều khiển của xe khoảng 50km/h.
Sau một hồi quan sát và tranh cãi với chủ vật nuôi, tôi quyết định chỉ bồi thường 200.000 đồng vì phần chân của con chó bị dập nát và cần đi bó xương nhưng người chủ vẫn không chịu. Tôi ngỏ ý chở cả người chủ và con vật đến trạm thú y gần nhất nhưng người chủ không cần. Cuối cùng, tôi hỏi yêu cầu của người đó như thế nào thì lại đòi bồi thường 1 triệu đồng với lý do con vật nuôi này được mua từ nước ngoài về. Tôi băn khoăn rồi bấm bụng đưa luôn 1 triệu đồng, sau đó đành phải đi tiếp vì lý do bận công việc.
Trong tình huống này, tôi vẫn không thực sự cảm thấy thoả đáng vì mình đã có ý tốt nhưng người ta vẫn rất ngoan cố.
Mong các chuyên gia giải quyết giúp vấn đề này.
Tại Điều 32 Luật giao thông đường bộ về người đi bộ có quy định như sau:
“1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Mặt khác, tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới khi tham gia giao thông như sau như sau:
Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư
Loại xe cơ giới đường bộ |
Tốc độ tối đa (km/h) |
Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg. |
50 |
Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ô tô sơ mi rơ moóc; ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô chuyên dùng; xe mô tô; xe gắn máy. |
40 |
Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư
Loại xe cơ giới đường bộ |
Tốc độ tối đa (km/h) |
Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ ô tô buýt); ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg. |
80 |
Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ tô buýt); ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên. |
70 |
Ô tô buýt; tô sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng; xe mô tô. |
60 |
Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; xe gắn máy. |
50 |
Ở trường hợp này, xe của người lái đi với tốc độ 50km/h là đúng quy định của pháp luật trong khi người đi bộ băng qua giải phân cách trái quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng thì phải đầy đủ 04 yếu tố: Có thiệt hại xảy ra – Có hành vi trái pháp luật - Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật - Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Như vây, việc xe ô tô đụng vào chân con chó lỗi hoàn toàn là của người bị thiệt hại. Cho nên, người lái không cần phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 617 BLDS như sau:
“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh ( Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)