Mặc dù đã được sử dụng khá nhiều trên thế giới nhưng ô tô điện đang là chủ đề nóng đối với nhiều người Việt trong thời gian vừa qua. Trong đó, các quy định về giấy phép lái xe (GPLX) hay quy trình đăng kiểm đối với xe điện cũng là đề tài khiến nhiều người băn khoăn.
Một số loại bằng được lái xe điện
Theo tìm hiểu của PV, thông tin một số dòng xe điện hiện đại sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian tới được nhiều người quan tâm bởi mẫu mã đẹp và giá thành không quá cao. Tuy nhiên, nhiều người cũng thắc mắc bằng lái hạng B1, B2 có phù hợp để lái xe điện hay không.
Anh Nguyễn Minh Trí (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay: “Tôi đang quan tâm đến dòng xe điện nhưng cũng thắc mắc rằng tôi chỉ có bằng B1 thì có lái được xe điện hay không?”.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Ô tô điện sử dụng động cơ điện nên cũng gọi là số tự động. Tuy không sử dụng động cơ đốt trong nhưng cũng là một trong những phương tiện đường bộ. Do đó, GPLX ô tô hạng B11, B, B2, C... đều sẽ điều khiển được”.
Ông Quang cho biết thêm hiện có hai loại GPLX đối với ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống, gồm B1 và B2. Theo đó, hạng B1 dành cho người lái xe gia đình (không kinh doanh), còn hạng B2 được sử dụng chung cho cả xe kinh doanh và không kinh doanh. Từ khi xuất hiện ô tô số tự động, có thêm GPLX hạng B11 dành riêng cho loại xe này. Người có GPLX B11 không được điều khiển xe số sàn, chỉ được điều khiển xe số tự động. Còn người có GPLX B1 và B2 thì được điều khiển cả xe số tự động và số sàn.
Như vậy, nếu người có dự định mua xe điện chưa có GPLX thì phải thi để lấy một trong các giấy phép B1, B2, B11 thì mới được điều khiển phương tiện. “Xe điện cũng giống như ô tô thông thường, đòi hỏi người tham gia giao thông phải có bằng lái. Trước khi đăng ký sát hạch GPLX, người dùng cần tìm hiểu để biết chiếc ô tô điện của mình thuộc loại hộp số sàn hay tự động. Nếu là số tự động thì đăng ký thi để lấy hạng B11, còn xe sử dụng hộp số sàn thì phải đăng ký thi GPLX B1 hoặc B2. Nói cách khác, những người đã có GPLX ô tô đều điều khiển được ô tô điện sử dụng hộp số tự động” - ông Quang nói thêm.
Vẫn kiểm định theo Luật Giao thông đường bộ
Nhiều ý kiến nhận định sử dụng ô tô điện giúp làm giảm đi nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở khu vực TP lớn. Vì vậy, nhiều người cũng thắc mắc quy trình đăng kiểm đối với xe điện có khác gì với ô tô thông thường?
Lý giải vấn đề này, ông Trần Văn Chủ, Giám đốc chi nhánh thuộc Trung tâm Đăng kiểm 5003V, cho biết xe điện cũng là phương tiện cơ giới đường bộ nên cũng được kiểm định bình thường. Tuy nhiên, đây là xe hoạt động bằng động cơ điện nên không phát thải, do đó không phải kiểm tra khí thải.
Ông Chủ cho biết thêm: thời điểm hiện tại chưa thấy quy định cụ thể về việc kiểm định ô tô điện nhưng nhìn chung ô tô điện cũng sẽ được kiểm định theo Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, kiểm định cũng sẽ kiểm tra đầy đủ từ hệ thống phanh, hệ thống treo, gầm xe đến hệ thống lái, điện, đèn…
Về thời gian đăng kiểm định kỳ cũng thực hiện giống như xe động cơ đốt trong. Bên cạnh đó, dù các công đoạn kiểm tra ô tô điện ít hơn so với ô tô thông thường nhưng phí kiểm định vẫn không thay đổi. Tương tự, phí bảo trì đường bộ cho xe điện cũng được áp dụng giống như ô tô thông thường.
“Trong tương lai, khi sử dụng xe điện nhiều có thể Nhà nước cũng nên có hướng dẫn chi tiết hơn để người dân hiểu rõ. Tuy nhiên, trên cơ sở là cũng không có nhiều khác biệt so với các dòng xe thông thường”, ông Chủ nhấn mạnh.
Một số ưu điểm của ô tô điện Thị trường ô tô điện được dự báo sẽ sôi động hơn với sự tham gia của nhiều hãng ô tô điện nước ngoài trong thời gian sắp tới. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: “Xe điện là mẫu xe phù hợp với thời đại mới và phù hợp với công nghệ, sắp tới sẽ lan tỏa rất nhanh. Dự kiến năm 2035 có thể có đến 80% xe điện hoặc xe lai (vừa chạy bằng xăng vừa chạy bằng điện) chạy trên đường ở Việt Nam”. TS Dũng phân tích, trước đây khi pin ô tô điện chỉ chạy được quãng đường ngắn nên người dùng chỉ sử dụng để chạy khu vực gần nhà. Tuy nhiên, ngày nay các loại pin có chứa điện công suất lớn đã được áp dụng, theo đó một số dòng ô tô điện đã đạt đến kỷ lục mà xe xăng dầu không thể cạnh tranh được. Ngoài ra, TS Dũng cho rằng việc sử dụng ô tô điện còn giúp làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở khu vực TP lớn. “Hiện nay nhiều nước trên thế giới có chính sách trợ giá xe điện, vì lấy từ thuế môi trường chi cho khách hàng mua xe” - TS Dũng cho biết. TS Dũng phân tích: theo Nghị định Paris về biến đổi khí hậu, những nhà sản xuất xe hơi từ nhiên liệu đốt trong (lấy nguồn nhiên liệu hóa thạch) phải đóng thuế CO2 rất cao. Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện không phải đóng tiền thuế này, dẫn đến giá thành của xe sẽ giảm hơn, lợi nhuận tăng lên. |
Theo plo.vn
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
Hiện nay, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn năng lượng xanh. Thị trường ô tô cũng không ngoại lệ, những mẫu xe ô tô sử dụng động cơ điện đang dần thay thế cho động cơ xăng.
Hiện nay, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn năng lượng xanh. Thị trường ô tô cũng không ngoại lệ, những mẫu xe ô tô sử dụng động cơ điện đang dần thay thế cho động cơ xăng.
Nhờ những cải tiến trong công nghệ sản xuất, tuổi thọ pin ô tô điện ngày càng được tăng cao. Nếu người dùng sử dụng đúng cách, tuổi thọ trung bình của pin có thể kéo dài từ 10 - 12 năm.
So với sạc chậm và sạc nhanh thông thường, sạc siêu nhanh có tốc độ sạc nhanh hơn rất nhiều (gấp 2 - 3 lần). Tốc độ còn ngoạn mục hơn với các bộ sạc siêu nhanh, có thể lên đến 250 kW, thậm chí 350 kW.