1. Tránh đầu tuần và lễ, tết
Theo ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm, thông thường lưu lượng xe đăng kiểm thường rất đông vào đầu tuần hoặc trước những ngày lễ, tết, do đó, để không phải đợi lâu, nếu không bắt buộc thì hãy tránh những thời điểm đó.
2. Chuẩn bị đủ giấy tờ
Để việc kiểm định được “trôi chảy” bạn cũng có thể đặt lịch trước rồi sau đó đến đăng kiểm, trước khi đi phải đảm bảo những loại giấy tờ đầy đủ, bao gồm giấy đăng ký xe, giấy chững nhận bảo hiểm dân sự, sổ đăng kiểm, chứng minh nhân dân, biên lai phí cầu đường.
3. Nắm rõ quy trình đăng kiểm
Theo quy định của nhà nước, các trung tâm đăng kiểm sẽ thực hiện kiểm tra gồm 5 công đoạn khác nhau, bao gồm kiểm tra nhận dạng tổng quát, kiểm tra phần trên ô tô, kiểm tra phanh, kiểm tra khí thải và tiếng ồn, kiểm tra phần khung gầm và hệ thống treo.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tuổi đời và số km hiển thị trên đồng hồ để chia ra 2 nhóm phương tiện như sau, nhóm đã sử dụng dưới 6 năm và trên 7 năm hoặc dưới 60.000 km và còn tùy thuộc vào việc chiếc xe có xảy ra và đụng hay chưa, nếu chưa, các kiểm định viên sẽ kiểm tra các hệ thống quan trọng của ô tô như động cơ, gầm, điện… nếu không phát hiện hư hỏng chỉ cần kiểm tra bảo dưỡng… là có thể đạt yêu cầu.
4. Tự kiểm tra và khắc phục trước đăng kiểm
Đây là công đoạn quan trọng nhất, để tránh bị “hành”, trước khi đi đăng kiểm bạn nên kiểm tra một số hạng mục dựa trên 5 công đoạn kể trên để có thể việc đăng kiểm được thuận lợi.
Đầu tiên ở công đoạn nhận dạng, hãy dùng khăn lau sạch xung quanh xe, đặc biệt là biển số, phải đảm bảo biển số không bị rơ lắc, hoặc dễ dàng rớt ra ngoài. Tiếp đến bên trong xe, lau sạch số máy và số khung xe, mở nắp capo kiểm tra nước làm mát động cơ, nước rửa kính, dầu phanh, dầu trợ lực lái… quan sát khoang động cơ xem có gì bất thường hay không. Đến lượt các bánh xe, phải đảm bảo đủ áp suất lốp, không có dấu hiệu mòn, lệch và kiểm tra tất cả các đèn xe xem có bị đứt hay không…
Tiếp theo, công đoạn kiểm tra thân xe, những hạng mục như gạt nước, phun nước, phanh tay, dây đai an toàn, còi xe, chốt cửa, khóa cửa tay mở… phải đảm bảo mọi thứ đều làm việc trơn tru và quan trọng hơn trên bảng Taplô phải đảm bảo không có một đèn báo lỗi bất thường nào hiện thị.
5. Bảo dưỡng trước khi đi đăng kiểm
Để đảm bảo hơn, trước khi đi đăng kiểm bạn nên mang xe đến những trung tâm dịch vụ để bảo dưỡng và yêu cầu các kỹ thuật viên, kiểm tra tổng quát chiếc xe cho bạn sau đó khắc phục để chiếc xe của bạn đảm bảo yêu cầu. Vì khi đi đăng kiểm các kiểm định viên thường không chỉ ra tổng hợp những lỗi trên chiếc xe, mà khi kiểm tra đến đâu họ sẽ yêu cầu bạn đi khắc phục đến đó, sau đó bạn lại phải xếp hàng chờ rất mất thời gian cho bạn.