Thị Trường, - 27/11/2019 10:44 PM
Có một thực tế là dư luận tại nhiều nơi, không chỉ riêng Việt Nam luôn có một quan điểm rõ ràng rằng người Trung Quốc chỉ biết làm đồ nhái.

Thực ra, nếu nhìn vào lịch sử phát triển trong khoảng hơn nửa thế kỷ của lĩnh vực chế tạo tại Trung Quốc, thật khó để phủ nhận quan điểm đó. Từ những thứ có độ tinh xảo cao như tên lửa, máy bay chiến đấu cho đến mấy cái xe 2 bánh, 4 bánh chạy lông nhông ngoài đường hay các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, may mặc, tất cả đều không thể làm khó người Trung Quốc. Khoan chưa nói đến chất lượng, chỉ riêng việc sao chép giống y sì đúc đã đủ để dành lời khen cho họ.

Nhưng thế vẫn chưa đủ, các doanh nghiệp nước này copy một cách bất chấp dư luận, bất chấp quy định quốc tế thì quả thực là Chí Phèo cũng phải chào thua. Mỗi bản nhái là một lần dư luận lại dậy sóng. Nhưng rồi, đâu lại vào đó và dường như gây thị phi đã trở thành một sở thích của họ. Bởi với sự ngầm chống lưng của chính quyền, nhiều công ty Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm bản quyền mà không lo bị sờ gáy. Thế nên, rất nhiều công ty nước ngoài đã phải cố nuốt cái cục tức mà không trôi.

Trong số các nạn nhân của ngành công nghiệp Trung Quốc, các thương hiệu xe hơi có lẽ là cay đắng hơn cả. Bởi lẽ, hàng loạt mẫu xe của nhiều thương hiệu có tiếng trên thế giới đã bị nhái mẫu mã trắng trợn. Dù kiện tụng lên xuống nhưng nhìn chung là chẳng giải quyết được gì. Còn nếu vì nóng giận mà bỏ đi thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận bởi Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Thế nên, quốc gia này được coi là một mỏ vàng nhưng chỉ dành cho người chịu được đau thương.

Đen đủi nhất có lẽ là Land Rover. Nếu quay lại quá khứ, không khó để tìm thấy vài ba ‘anh em cùng cha khác ông nội’ của những chiếc Range Rover, Evoque hay Velar. Tai tiếng nhất chính là Landwind X7. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ cái cảm giác giật mình khi phát hiện ra đây thực chất không phải là một chiếc Evoque dù thiết kế ngoại thất phải nói là giống nhau đến 99%. Được biết, model nhái của Landwind xuất hiện chỉ ít lâu sau khi tập đoàn Jaguar Land Rover đầu tư nhà máy ở Thường Thục hồi năm 2014 để sản xuất Evoque và Discovery.

May mắn là sau vài năm theo kiện, cuối cùng thì nhà sản xuất xe hơi đến từ Anh đã giành chiến thắng. Bởi vào tháng 3 năm nay, tòa án quận Triều Dương (Bắc Kinh) đã bất ngờ (thực sự là rất bất ngờ) tuyên bố Landwind đã sao chép các thuộc tính thiết kế đặc trưng của JLR và yêu cầu công ty này dừng sản xuất cũng như bồi thường cho bên bị hại.

Chưa hết, Zotye Z8 (tên gọi tại Việt Nam của T700) cũng là một chiếc xe khác khiến Land Rover cảm thấy tổn thương. Dù không nhái đến cái mức copy như Landwind X7 nhưng Z8 cũng dễ dàng đánh lừa đa số những ai lần đầu tiên trông thấy nó vì ngoại hình rất giống với Range Rover Velar. Hay mới đây, một thương hiệu có tên Hanlong Auto tới từ Hồ Bắc cũng đã giới thiệu một model có tên Hunkt Canticie. Về tổng thể, chiếc xe này thực sự là rất giống Range Rover Sport. Nhưng ở khu vực đèn pha và lưới tản nhiệt, nó lại gợi lên hình ảnh của các sản phẩm mang thương hiệu Audi. Đấy là chưa kể những bản copy xấu xí như S325 của Yogomo.

Nhân nói đến việc sao chép thập cẩm, chúng ta sẽ không thể không nhắc đến BAIC với dòng SUV BJ Series mang thương hiệu Beijing Auto. Cụ thể, những chiếc BJ40 hay BJ80 của thương hiệu này đã gây phẫn nộ với kiểu dáng vuông vức, mạnh mẽ y chang những chiếc Mercedes-Benz G-Class nổi tiếng. Nhưng ở phía trước, chúng ta có thể nhìn thấy hình bóng của những chiếc Hummer. Thậm chí, BJ80 còn sở hữu cặp đèn pha giống hệt với chiếc Land Rover Defender V8 Works.

Cũng được định vị ở phân khúc cao cấp nhưng rõ ràng là BJ40 hay BJ80 còn lâu mới đạt tới đẳng cấp của G-Class đích thực. Bởi bên dưới nắp capo, chúng ta sẽ không thể tìm thấy những cỗ máy 6, 8 hay 12 xi-lanh mà chỉ có các tùy chọn động cơ 4 xi-lanh yếu đuối hơn nhiều. Trong năm nay, BAIC đã tung ra một phiên bản đặc biệt của BJ80 tương tự như cách mà Mercedes-Benz đã làm để kỷ niệm dòng xe biểu tượng của mình. Thậm chí, chiếc xe này cũng có cả biến thể 6 bánh, giống hệt G63 AMG 6x6.

Ngoài những cái tên kể trên, Changan Automobile cũng là một nhà sản xuất Trung Quốc có nhiều model vay mượn thiết kế. Theo tìm hiểu, tập đoàn này đã cùng với Aiways và Jiangling Motors Corporation Group lập nên Jiangling Motor Holding – đơn vị chủ quản của thương hiệu Landwind. Nổi bật nhất trong số các sản phẩm sao chép của Changan là CS85 và X70A – những chiếc xe có thể khiến không ít người nhầm lẫn với BMW X4 và Land Rover Discovery 4, nhất là khi nhìn từ hai bên.

Quay trở lại với Zotye, trong cùng giai đoạn của T700/Z8 còn có SR9 – chiếc xe như được đúc từ cùng một lò với Porsche Macan. Phải quan sát rất kỹ thì chúng ta mới có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai model này.

Geely, một cái tên đang nổi lên dạo gần đây với loạt xe mới mang thương hiệu Lynk & Co cũng từng có một quá khứ đầy tội lỗi. Vào đầu những năm 2000, tập đoàn này đã cho ra mắt bộ đôi BL (Beauty Leopard) và Merrie 300. Tất nhiên, điều đọng lại đáng kể nhất của hai chiếc xe này nằm ở thiết kế. Trong đó, chiếc BT bị tố là nhái lại dòng xe thể thao nổi tiếng Toyota Supra còn Merrie 300 thì chẳng khác nào phiên bản hạ cấp của Mercedes-Benz C-Class.

Không chỉ nhái các dòng xe cao cấp, người Trung Quốc cũng không buông tha các sản phẩm phổ thông. Đơn cử như mẫu SUV Yuan của BYD nhìn chẳng khác gì Ford EcoSport. Thậm chí, sau lần cập nhật vào năm ngoái, chiếc xe này càng giống EcoSport hơn. Ngoài ra, có thể kể đến chiếc Yogomo 330 vốn bị coi là nhái lại Kia Picanto/Morning.

Bên cạnh việc nhái mẫu mã, các hãng xe Trung Quốc thậm chí còn bắt chước cả thiết kế logo. Không nói đâu xa, BYD chính là một ví dụ điển hình cho điều đó khi logo của thương hiệu này luôn bị coi là một bản chỉnh sửa từ logo của BMW. Hay như Weikerui, logo của hãng này cũng chẳng khác nào bản copy thô thiển logo của Volkswagen. Trong khi đó, VW e-Up cũng bị Weikerui đạo thành chiếc V7.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.