Ô tô bị siết nợ gia tăng
Chiếc xe ô tô 24 chỗ ngồi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mới đây bị một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là chủ nợ thu giữ.
Ngày 14/3/2019, vợ chồng ông Cường ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng mua chiếc xe này để kinh doanh chở khách và dùng chính chiếc xe làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Từ đó đến hết năm 2019, vợ chồng ông vẫn trả vốn vay ngân hàng đúng hẹn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ tháng 1/2020, công việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng ông Cường chỉ thu xếp để thanh toán đủ và đúng hạn các kỳ tháng 1 và tháng 2.
Ngày 29/5, nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho ông Cường, nói đem xe lên định giá để làm hồ sơ giãn nợ theo quy định. Khi lái xe của ông Cường đưa xe đến, được nhân viên ngân hàng yêu cầu lên văn phòng để viết đơn. Xong việc, xuống thì không thấy xe đâu nữa, ngân hàng đã thuê cẩu xe đi. Tìm hiểu ông Cường mới biết, ngân hàng này đã chuyển khoản vay mua xe của vợ chồng ông thành nợ quá hạn và thu giữ tài sản bảo đảm.
Gần đây, số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng lên do không có khả năng thanh toán. Nhân viên một ngân hàng TMCP có nhiều hợp đồng tín dụng mua xe trả góp cho biết, số khách hàng không có khả năng trả nợ và bị thu xe của ngân hàng này hai tháng lại đây cao gấp 1,5 lần so với trước.
Nhiều nhất là xe tải và xe chở khách. Dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, giảm sút, dẫn đến kinh doanh vận tải gặp khó khăn, không có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Nhiều khách hàng đã chấp nhận để ngân hàng thu xe về.
Tiếp đến là xe của các gia đình. Nhiều gia đình trước đây mua nhà, mua xe, mua đồ gia dụng,... trả góp cùng lúc. Bình thường có công việc, thu nhập đều đặn thì thanh toán đúng hẹn, nhưng nay mất việc, giảm việc làm nên thu nhập cũng giảm theo và không có tiền thanh toán đúng hẹn, đã bị các ngân hàng thu hồi nợ.
Anh Lê Hồng Nam, xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, kể rằng gia đình anh vay mua chiếc xe 5 chỗ cỡ nhỏ, trả góp ngân hàng cả gốc lẫn lãi 5 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm. Chỉ cần chậm 30 ngày không trả nợ là nhân viên quản lý nợ của ngân hàng sẽ tìm đến tận nhà đôn đốc, thẩm định tình trạng thực tế xem khách hàng có thể tiếp tục trả nợ được hay không để đưa ra quyết định thu xe, hoặc cho chậm trả.
Khách hết tiền, ngân hàng phải ôm ô tô
Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, 6 tháng đầu năm, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Vì vậy, sẽ còn nhiều khách hàng vay mua ô tô khó có khả năng thanh toán đúng hạn cho ngân hàng. Chắc chắn số ô tô bị thu hồi để phát mãi sẽ còn tăng.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP tại Đống Đa Hà Nội cho hay, theo quy định, sau khi khách hàng vay tiền, thế chấp chiếc ô tô thì đó là tài sản của ngân hàng.
“Chúng tôi có quyền thu hồi khi khách hàng không thanh toán đúng như cam kết. Những khách hàng chậm trả nợ nhiều tháng, với số tiền lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cả gốc lẫn lãi, xét thấy không còn khả năng thanh toán và trở thành nợ xấu, có nguy cơ mất vốn, thì ngân hàng phải ra tay thu hồi xe về bán”, vị này nói.
Một số NHTMCP cho hay, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện tăng gấp mấy lần so với đầu năm. Quan ngại nhất chính là các khoản cho vay mua nhà, tiếp đến là cho vay mua ô tô.
Theo đại diện một ngân hàng TMCP, nợ xấu của nhà băng này tăng cao, chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Ngân hàng đang triển khai các biện pháp thu hồi nợ, nhưng việc này cũng gặp khó do khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ cuối tháng 6/2020, hàng loạt ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.
Mới đây, TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia của 5 khách hàng cá nhân, có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng, với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. Những khách hàng nói trên đều đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ, nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngân hàng VIB hiện cũng rao bán 64 phương tiện vận tải, chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ của nhiều thương hiệu nổi tiếng để xử lý nợ. Trong đó, có nhiều dòng xe phổ biến hiện nay như Toyota Vios, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado,... thậm chí bao gồm cả một số dòng xe đắt tiền như Mitsubishi Pajero hay Peugeot. Các mẫu xe đang được nhà băng này rao bán có giá dao động từ 230 triệu tới hơn 1 tỷ đồng.
Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là một ô tô Mercedes Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng.
Ngân hàng Techcombank cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ôtô. Trong đó, có 2 chiếc Toyota Camry 2.4 và 2 ôtô Toyota Camry 3.5 với giá khởi điểm lần lượt từ 280 triệu và 260 triệu mỗi xe.
Giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn cho biết, xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ.
Theo Vietnamnet
Với ô tô điện chỉ mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, việc tìm hiểu và cân nhắc kỹ càng trước khi mua càng được để ý nhiều hơn. Sau đây là một số vấn đề được khuyến cáo cần lưu ý kỹ trước khi mua ô tô điện.
Mẫu sedan hạng C nhà Kia hiện được khá nhiều người lựa chọn bởi tính thực dụng cao, đáp ứng được đa dạng nhu cầu tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều cái tên khác đáng để cân nhắc.
Để bản thân không trở thành nạn nhân của việc lừa đảo khi mua xe, bạn cần biết những điều dưới đây.
Thị trường ô tô đang bước vào giai đoạn ra mắt các mẫu xe, khác với mọi năm thì năm nay các hãng xe có phần ra mắt chậm hơi bởi phải chịu tác động của nền kinh tế thị trường.
Thời gian qua thời tiết nắng nóng gay gắt tôi mới cảm nhận được việc có ô tô thật hạnh phút biết bao bởi không phải chịu cảm giác đổ mồ hôi như tắm trong những ngày qua.