Trang tin Bloomberg cho biết, Toyota đang thực sự gặp khó khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á được đẩy lên mức độ cao. Đầu tháng 8, nhà máy của Sumitomo Electric Industries Ltd tại Hải Dương phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động đối với nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô này.
Tại Nhật Bản, giám đốc bộ phận bán hàng - Kazunari Kumakura theo dõi chặt diễn biến dịch tại Việt Nam và tại nhà máy này khi đây là một trong những nhà máy cung cấp bó dây điện, một sản phẩm cơ bản nhưng cần có để kết nối các hoạt động bên trong ô tô với nhau.
Nhà máy của Sumitomo Electric Industries tại Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng của Toyota.
Khi sự lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất này làm gián đoạn hoạt động trong chuỗi cung ứng thì hàng tồn kho của Toyota ngày càng ít đi. Kể từ tháng 7, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã kiểm tra các nhà cung cấp của mình trong khu vực Đông Nam Á hàng ngày để đánh giá mọi thứ đang diễn ra tồi tệ như thế nào. Lệnh giới nghiêm từ cơ quan có thẩm quyền đã khiến Toyota phải tuyên bố cắt giảm 40% sản lượng ô tô trong tháng 9 này so với kế hoạch sản xuất trước đó khi mà chuỗi cung ứng linh kiện ở Việt Nam và Malaysia bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thể hoạt động.
Ông Kazunari Kumakura nói trong một bài phát biểu với các phóng viên vào ngày 19/8 rằng “Các lệnh phong tỏa vì dịch bệnh đã làm rối tung các bộ phận sản xuất của chúng tôi và nó diễn ra quá nhanh”.
Toyota hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo các bộ phận thay thế và sản xuất bù đắp lại sản lượng bị cắt giảm kịp thời để đáp ứng nhu cầu ô tô toàn cầu tăng lên do cạn kiệt nguồn hàng tồn kho.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ riêng Toyota đã có hơn 400 nhà máy đặt tại Malaysia và Việt Nam để thấy được rằng sự ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất của Toyota là lớn như thế nào.
Toyota đang có ý định cân bằng giữa hiệu quả và khả năng phục hồi khi cho biết, có khả năng xem xét cách phân bổ sản xuất và đa dạng hóa rủi ro để không tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Theo đó, kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua cho thấy việc tập trung sản xuất một số bộ phận ở Đông Nam Á đã gây nên sự xáo trộn đáng kể trong hệ thống của Toyota trên toàn cầu.
Trong hơn một thập kỷ qua, Toyota đã đầu tư rất lớn vào khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ hơn thay thế cho thị trường Trung Quốc vốn dĩ đã không còn hấp dẫn nữa. Thái Lan trở thành trung tâm lắp ráp của Toyota cũng như Mitsubishi, Honda và Nissan; Việt Nam là nguồn cung cấp bó dây điện lớn nhất còn Malaysia là nơi đóng gói chip giai đoạn cuối.
Không riêng gì Toyota, các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu đã giảm sản lượng vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Maruti Suzuki India Ltd., nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Ấn Độ, cho biết sản lượng ô tô của hãng có thể sẽ giảm xuống khoảng 40% so với mức bình thường trong tháng này. Đồng thời đổ lỗi cho những đợt phong tỏa gần đây ở các nước Đông Nam Á khiến tình trạng nguồn cung linh kiện trở nên tồi tệ hơn.