Thị Trường, - 06/01/2012 04:20 PM
Khép lại năm 2011, thị trường ô tô Việt Nam diễn ra không thuận lợi như nhiều doanh nghiệp ô tô kỳ vọng. Bước sang năm 2012, các nhà sản xuất ô tô đang lo lắng về chủ trương hạn chế xe ô tô cá nhân với việc áp dụng tăng phí trước bạ và cấp biển số xe. Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Akito Tachibana – người giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) trong ba năm qua, chia sẻ những nhận định thị trường ô tô Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2011?

- Ông Akito Tachibana: Năm 2011 quả là một năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường ô tô nói riêng. Nền kinh tế bị suy giảm, cùng với chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tỷ giá và lãi suất ngân hàng quá cao, đã kéo theo sự suy giảm chung của thị trường ô tô Việt Nam. Hơn nữa, trận động đất tại Nhật Bản hồi đầu năm cùng với nạn lũ lụt lịch sử của Thái Lan vừa qua cũng đã khiến các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản gặp nhiều khó khăn.

Đối với thị trường ô tô nói chung, trên thực tế, nhu cầu thật của người dân đối với ô tô vẫn tương đối cao, do vậy đã có sự dịch chuyển rõ rệt trong phân khúc thị trường với sự tăng đột biến của các dòng xe cá nhân so với xe thương mại bất chấp những khó khăn của thị trường. Mặc dù sản lượng của dòng xe thương mại bị giảm nhưng dòng xe cá nhân vẫn tăng lên. Tuy nhiên, theo tôi dự đoán, số lượng xe của toàn thị trường năm 2011 vẫn giảm 8% so với năm 2010 với trên 140.000 xe/năm (bao gồm cả xe nhập khẩu).

Lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số dành cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi đã chính thức được áp dụng từ đầu năm nay tại TPHCM và Hà Nội. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này?

- Chúng tôi hiểu việc tăng lệ phí trước bạ tại Hà Nội lên 20% và TPHCM lên 15% cũng như việc tăng lệ phí đăng ký biển xe là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm tình trạng ách tắc giao thông. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường ô tô đang giảm sút, việc tăng thuế trước bạ và tăng lệ phí đăng ký biển xe chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường ô tô trong nước vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường của hai thành phố lớn này. Bên cạnh đó, các yếu tố và chính sách kinh tế như sự suy giảm kinh tế, sự thắt chặt của chính sách tiền tệ, tăng tỷ giá… vẫn sẽ tác động kép lên thị trường ô tô 2012. Vì vậy, thị trường ô tô 2012 có thể sẽ còn nhiều khó khăn, khó mà có sự tăng trưởng đột biến hơn so với năm 2011.

Việc tăng hai phí trên có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất và kinh doanh của TMV. TMV có kế hoạch gì để có thể duy trì sự phát triển tại Việt Nam?

- Sau khi lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển dành cho ô tô vừa được thông qua tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM và một số tỉnh khác chính thức được áp dụng sẽ làm tăng chi phí để sở hữu một chiếc xe. Điều đó đồng nghĩa với việc có khả năng cao là nhu cầu của thị trường sẽ giảm. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải xem xét lại kế hoạch sản xuất của chúng tôi trong năm sau.

Hơn nữa, kế hoạch sản xuất của TMV tới năm 2018 – khi mà thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung được ký kết giữa các nước ASEAN chính thức được áp dụng - sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đạt sản lượng phù hợp. Do vậy, chúng tôi sẽ phải nỗ lực không ngừng để có thể duy trì sản xuất trong nước bằng tối ưu việc nội địa hóa và giảm chi phí sản xuất nhằm tạo ưu thế cho các sản phẩm sản xuất trong nước khi thuế nhập khẩu giảm về 0% cho các nước trong ASEAN.

Trước những áp lực dỡ bỏ hàng rào thuế quan nói trên, nhiều thông tin cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ô tô đang có kế hoạch rút khỏi thị trường Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

Với những cam kết chung của Việt Nam trong khối ASEAN và sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải từng bước dỡ bỏ các bảo hộ thuế quan. Cụ thể, Việt Nam đã cam kết giảm dần thuế quan nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN xuống 0% vào 2018; khi đó áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu sẽ gia tăng mạnh mẽ. Việc tiếp tục đầu tư sản xuất sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Tôi cho đây sẽ là một xu hướng. Thực tế nó đã xảy ra với ngành công nghiệp điện tử vào những năm 2009, 2010 khi nhiều hãng điện tử đã phải dừng sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu do không cạnh tranh được với hàng nhập từ các nước ASEAN.

Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển, những nhà sản xuất ô tô cần có sự chuẩn bị để tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm ngay từ bây giờ, nếu không sẽ buộc phải dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong Chính phủ xác định được tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô để có chính sách phù hợp phát triển ngành làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa; từng bước hạn chế nhập siêu khi thị trường bước vào giai đoạn motorization (bùng nổ nhu cầu sử dụng ô tô) dự kiến vào sau 2020.

Tuy thuế nhập khẩu ô tô năm nay sẽ giảm nhưng nhiều thông tin cho rằng điều đó không tạo sức ép giảm giá xe đối với các liên doanh bởi đã có Thông tư 20 của Bộ Công Thương tạo lợi thế cho các doanh nghiệp này, ông nghĩ sao về nhận xét này?

Tôi cho rằng Thông tư 20 của Bộ Công Thương không phải là yếu tố để tăng hay giảm giá xe mà mục đích chủ yếu là nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và giảm nhập siêu. Giá của sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó thuế nhập khẩu là yếu tố then chốt nhất. Trong năm 2012, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, cũng là lúc các doanh nghiệp phải đưa ra các kế hoạch thích ứng để đối phó với sự suy giảm của thị trường trong đó có thể có những kế hoạch liên quan đến giá. Hơn nữa, tôi cho rằng, một doanh nghiệp muốn thành công thì phải có chiến lược lâu dài, xây dựng thương hiệu uy tín, sự tin tưởng trong lòng khách hàng, chứ không phải là “đục nước béo cò để tăng lợi nhuận”.

Trước tình hình này, ông dự báo thế nào về thị trường ô tô trong năm 2012?

Với những chỉ tiêu về kinh tế của năm 2012 mà chính phủ vừa đề ra và được Quốc hội thông qua với định hướng hy sinh tăng trưởng để ổn định kinh tế, thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, và giảm chi tiêu công, nay là việc tăng thuế trước bạ và phí đăng ký biển xe ô tô, chúng tôi dự báo năm 2012 sẽ là năm hết sức khó khăn. Ước tính sản lượng bán hàng của Vama sẽ giảm khoảng 20%.

Ông có kiến nghị gì đối với chính phủ để có thể tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam?

Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có chiến lược lâu dài để phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ Chính phủ xây dựng một dòng xe chiến lược để ngành công nghiệp ô tô phát triển quy mô hơn và vững chắc hơn. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi các chính sách thuế được ổn định, thị trường được thúc đẩy và tập trung. Khi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng lòng, thì tôi tin chắc rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có khả năng theo kịp các nước khác.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.