Thị Trường, - 10/04/2015 02:44 PM
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, xe máy là thủ phạm chính của tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và yêu cầu các ngành chức năng cần có giải pháp hạn chế loại phương tiện này, thì các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới lại nhấn mạnh: Xe máy không phải là "thủ phạm", mà thay vào đó phải hạn chế sự chuyển dịch từ xe máy sang ô tô; đồng thời phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông và các loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhằm khuyến khích

Loay hoay với chủ trương hạn chế xe máy

Theo một thống kê vừa được công bố, tính đến hết năm 2014, Việt Nam có 43 triệu mô tô, xe gắn máy đăng ký, vượt 7 triệu chiếc so với Quy hoạch phát triển GT-VT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Không những thế, dù nhu cầu về xe máy đã giảm nhưng hiện mỗi năm Việt Nam vẫn tiêu thụ hơn 2,5 triệu chiếc. Theo tính toán, đến 2020 sẽ có khoảng 13 triệu xe mới tham gia lưu thông. Như vậy, ngay cả khi loại trừ một số lượng không nhỏ mô tô, xe máy đã cũ nát thì cả nước vẫn còn tới hơn 50 triệu xe.

Hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông cần những biện pháp quyết liệt. Ảnh: Viết Thành

Đại diện Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, xe máy hiện chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông và là phương tiện chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, xe máy lại là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT). Cụ thể, TNGT với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ TNGT đường bộ. Trước sự bùng nổ của mô tô, xe máy cũng như những nguy cơ về ùn tắc và TNGT do loại phương tiện cơ giới này đem lại, các cơ quan chức năng trung ương và một số địa phương đã nhiều lần đề xuất giải pháp nhằm hạn chế sở hữu mô tô, xe máy. Thậm chí, ngay trong quy hoạch phát triển GT-VT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng chỉ rõ, các cơ quan chức năng sẽ hạn chế mức tăng số xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước. Xe máy sẽ sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có phương tiện VTHKCC, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 36 triệu xe máy.

Theo tính toán của các nhà khoa học, một chiếc xe máy đỗ trên đường chiếm 1,8m2 nhưng một chiếc xe hơi chiếm nhiều gấp 8 lần (14m2). Một xe hơi đang di chuyển chiếm 40-65m2, cao hơn khoảng bốn lần so với một chiếc xe máy đang lưu thông.

Từ dự báo của quy hoạch và số lượng xe thực tế đã cho thấy sự vênh nhau đáng kể của các cơ quan dự báo và làm chiến lược, chính sách và thực tế cho thấy, hầu như lần nào, chủ trương hạn chế mô tô, xe máy khi được đưa ra đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Nhiều chuyên gia giao thông, luật sư đều khẳng định, quy định này là vi phạm vào quyền sở hữu tài sản cá nhân của công dân. Sự yếu kém trong công tác dự báo khiến cho các giải pháp đưa ra không có tính khả thi. Ông David Spice - Trưởng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về hiện trạng sở hữu và sử dụng mô tô, xe máy tại Hà Nội cho rằng, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững. Người dân cũng không sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại, mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường.

Đâu là "thủ phạm" chính?

Nhiều chuyên gia giao thông phân tích, sự gia tăng của mô tô, xe máy rõ ràng là một trong những nguyên nhân gây nên ùn tắc và TNGT tại các đô thị. Tuy nhiên, thủ phạm chính của tình trạng này là tình trạng chuyển từ xe máy sang ô tô khi đời sống của người dân được cải thiện hơn. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh: Tôi cho rằng, gia tăng ô tô cá nhân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một thành phố giao thông tốt thì tỷ suất diện tích đất dành cho giao thông phải chiếm khoảng 16%, nhưng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ có 7-9%. Trong khi đó, xe máy và ô tô, nhất là ô tô cá nhân và taxi, phát triển quá nhanh. Hạ tầng đã không đáp ứng được nên việc ùn tắc là tất yếu. Xe máy hiện là phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Việc lượng xe máy đang sử dụng quá nhiều nên gây ra ùn tắc ở các đô thị là điều không thể chối cãi. Nhưng, tôi cho rằng ý thức của không ít người tham gia giao thông rất kém đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên tồi tệ hơn.

Cũng theo ông David Spice, người dân muốn chuyển sang phương tiện VTHKCC, nhưng với điều kiện như hiện nay rất khó khuyến khích họ từ bỏ xe máy chuyển sang phương tiện khác. Việc hạn chế xe máy cần phải có lộ trình phù hợp. Khuyến nghị quan trọng nhất đối với Việt Nam là cần kìm hãm xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô bằng các chính sách tăng chi phí sử dụng ô tô cá nhân, đồng thời tập trung xây dựng một hệ thống VTHKCC kết hợp với việc sử dụng xe máy một cách hiệu quả hơn; qua đó khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý.

Theo Hà Nội Mới

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.