Tin xe, - 30/11/2015 02:54 PM
Thuế nhập khẩu không phải là công cụ duy nhất tác động lên giá xe, do đó tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào ý chí cơ quan quản lý.

Từ đầu 2014, những thông tin về thay đổi giá xe bắt đầu rộ lên, bởi đến gần thời điểm 2018, khi cam kết giá nhập khẩu xe từ ASEAN giảm còn 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA. 

Sang 2015, sức nóng của câu chuyện giá xe càng lên cao khi Việt Nam kết thúc đàm phán những Hiệp định thương mại khác. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quy định thuế suất nhập khẩu ôtô từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. 

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng quy định ôtô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm. 

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ràng buộc ôtô là một trong những mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế muộn nhất, theo đó thuế nhập khẩu ôtô từ các nước thành viên sẽ về 0% sau 10 năm nữa. 

Những thông tin này mở ra một hy vọng cho khách hàng Việt, rằng giá ôtô sẽ giảm, ít nhất là từ 2018. Bởi lẽ, thuế nhập khẩu là một trong những gánh nặng lớn nhất đè lên giá xe bán ra tại thị trường Việt Nam.

Khi vấn đề "giá xe đến 2018 có giảm không?" được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Xe của VnExpress, nhận được rất nhiều quan tâm của độc giả. Trong đó, hầu hết các độc giả đều có cái nhìn không mấy tươi sáng, khi tin rằng dù thuế nhập khẩu có giảm thì giá xe cũng không thể giảm tương ứng. Thuế nhập khẩu là thứ duy nhất Chính phủ phải tuân theo vì cam kết với nước ngoài, nhưng các công cụ nội địa khác thì hoàn toàn tự quyết.

"Thuế giảm nhưng 'đừng mơ' giá xe giảm", "Đừng trông chờ chính sách khi mua xe hơi ở Việt Nam", "Giá ôtô sau 2018 vẫn bằng 2015 theo cách tính thuế mới"... là những ý kiến mà đa số độc giả đều ủng hộ. Lập luận mà độc giả đưa ra đều cho rằng, thuế nhập khẩu không phải là công cụ duy nhất ảnh hưởng tới giá xe, vì thế sẽ khó để giá xe giảm. 

Từ nhiều năm qua, ôtô vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, vì thế đánh thuế rất cao ở mọi loại thuế phí như giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trước bạ cùng gần 10 loại phí khác. Ngoài ra, xe nhập khẩu còn thiệt thòi hơn nữa khi chịu rào cản thuế nhập khẩu, vốn đánh rất cao để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Anh Minh Tuấn, người có kinh nghiệm lâu năm kinh doanh xe nhập khẩu cho rằng, viễn cảnh Việt Nam có giá xe giảm trong tương lai gần 4-5 năm nữa khó xảy ra. Bởi lẽ, tương quan về thu nhập của người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ để phát triển loại phương tiện này. 

Vấn đề giá xe liệu có giảm, và nếu giảm thì các hãng sản xuất có chuyển sang nhập khẩu cũng là câu hỏi được giới truyền thông đưa ra cho các hãng xe lắp ráp tại Việt Nam. Đứng trước hoàn cảnh này, đại diện các ông lớn như Toyota, Ford hay Honda chỉ trả lời nước đôi, rằng sẽ làm hết sức đóng góp cho ngành sản xuất Việt Nam, nhưng vấn đề lợi nhuận vẫn đặt lên hàng đầu, tức nếu giá xe nhập giảm thì hãng sẽ chuyển sang thuần nhập khẩu, đòi hỏi những chính sách có lợi từ chính phủ để duy trì sản xuất.

Cũng chính từ thực tế này, các hãng lắp ráp thuộc VAMA kiến nghị lên chính phủ những chính sách mới có lợi cho xe lắp nhưng gây khó cho xe nhập. Hệ quả lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập và lắp càng tiến xa về hai cực, không tìm thấy điểm chung. 

Tới thời điểm này, chính sách đầu tiên chính thức phê duyệt là Nghị định 108 quy định về sửa đổi một số điều luật thuế TTĐB có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, thời điểm tính thuế TTĐB đổi từ giá vốn sang giá bán buôn. Nếu trước đây thuế tính trên giá vốn thì từ đầu 2016 thuế tính trên giá bán buôn, tức là giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo cách tính mới, mức thuế TTĐB doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên, do đó bắt buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận. Các nhà kinh doanh sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp từ đầu 2016. Mức tăng thêm phụ thuộc vào từng loại xe và cách mà nhà phân phối thương thuyết với cơ quan thuế.

"Chúng tôi không thể nghĩ đến việc Chính phủ thay đổi thời điểm tính thuế TTĐB", đại diện một nhà kinh doanh xe nhập khẩu chính hãng cho biết, cảm thấy ngỡ ngàng khi chỉ một công cụ là thuế TTĐB lại có nhiều cách để tác động. 

"Xe nhập khó có cửa sáng vì còn rất nhiều công cụ thuế, phí và hàng rào về kỹ thuật, tài chính mà Chính phủ có thể thay đổi để không cho giá xe giảm, thậm chí tăng", vị này phân tích thêm.

Bên cạnh thời điểm thay đổi, thuế TTĐB còn có khả năng thay đổi thuế suất cũng vào đầu 2016, trong đó những xe từ 2 lít trở lên tăng mạnh theo dự thảo như bảng dưới: 

Dung tích

Mẫu xe

Giá cũ
(triệu)

Thuế TTĐB 

Thuế TTĐB
mới
(dự kiến)

Giá mới
(triệu)

 2 - 3 lít

 Toyota Camry 2.5Q

 1.414

 50%

 60%

 1.508

 3 - 4 lít

 Audi A8L

 4.800

 60%

 90%

 5.700

 4 - 5 lít

 Mercedes S500

 4.700

 60%

 110%

 6.169

 5 - 6 lít

 Lamborghini Huracan

 16.000

 60%

 130%

 23.000

 Trên 6 lít

 Rolls-Royce Phantom

 30.000

 60%

 150%

 46.875
 

 

Trong bản nội dung mà Chính phủ trình Quốc hội thảo luận hồi giữa tháng 10, các xe có dung tích dưới 2 lít giảm thuế mạnh từ 45% về còn 20-25%, mở ra triển vọng giá xe cỡ nhỏ có thể giảm gần 18%, đây là dòng xe mà các doanh nghiệp lắp ráp đang đẩy mạnh.

Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cơ hội đó dập tắt không chỉ cho xe nhập mà cả xe lắp. Lập luận của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dòng xe dưới 2 lít vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng xe nhập khẩu, do đó thuế suất TTĐB áp dụng không nên giảm sâu ngay lập tức từ 45% về 20-25% mà chỉ nên giảm nhẹ 5%, về mức 40%. 

Mức thuế TTĐB cho xe dưới 2 lít sẽ giảm theo lộ trình từ 2016 còn 40%, từ 2018 còn 30% và từ 2019 còn 20%. Vào thời điểm 2018, cơ hội giảm giá duy nhất chỉ dành cho xe dưới 2 lít theo diện lắp ráp trong nước vì không chịu thuế nhập khẩu. Nếu những thuế, phí khác không thay đổi, mức giảm giá có thể kỳ vọng khoảng 10%. 

"Triển vọng này khó xảy ra, bởi nếu người dân dễ mua xe hơi, Chính phủ sẽ lo lắng về lượng phương tiện tăng cao, lại đánh thêm các thuế, phí để hạn chế", một chuyên gia trong ngành phân tích. Thực tế đã chứng minh, dù hiện tại doanh số thị trường xe hơi Việt Nam còn khá nhỏ nhưng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có những mức thuế phí cao hơn hẳn địa phương khác (đăng ký biển số, trước bạ) nhằm hạn chế, mà hai thành phố này lại chiếm phần lớn lượng xe bán ra ở Việt Nam. 

Doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu lo lắng ngoài thuế TTĐB, Việt Nam còn can thiệp vào những công cụ khác như hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về tài chính, kho bãi của đại lý để hạn chế. Trong khi đó, hãng lắp ráp yên tâm hơn khi mọi chính sách đều hướng tới bảo hộ ngành nội địa. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh thì ngay cả xe lắp cũng khó có cuộc cách mạng về giá. 

Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới giá xe hơi tại Việt Nam không phải là thuế nhập khẩu, thuế TTĐB hay bất cứ loại thuế phí nào khác, vì thực chất đó chỉ là công cụ để điều tiết thị trường. Giá xe phụ thuộc lớn nhất vào ý chí của cơ quan quản lý, khi nào ôtô còn là mặt hàng "cần hạn chế tiêu dùng", khi đó giá xe vẫn còn cách xa mức thu nhập của người dân.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.