Chuyên gia trên phân tích thêm: “Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước đăng cai nộp phí tổ chức rất cao. F1 thế giới về thực chất là một doanh nghiệp nên nếu hủy F1 Hà Nội 2020, họ sẽ mất hai khoản thu chính là phí tổ chức - có thể lên đến 30 triệu USD, phí bản quyền truyền hình.
Từ năm 2018 đến nay, F1 thế giới đã phải tăng các nguồn chi lên khoảng 35% mà lợi nhuận thu về chỉ tăng 1,7%. Chặng F1 Hà Nội hứa hẹn nhiều hấp dẫn không chỉ về chuyên môn mà còn về lợi nhuận. Dĩ nhiên, F1 Hà Nội chỉ được tổ chức trong điều kiện an toàn, dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế. Trong trường hợp F1 Hà Nội vẫn tiến hành trong năm nay, BTC F1 thế giới sẽ phải tính đến việc cắt một số giải không mang lại lợi nhuận lớn, ví dụ như chặng Brazil, Monaco hay Tây Ban Nha”.
Theo ông Chase Carey, Giám đốc điều hành công ty sở hữu F1, mùa giải 2020 có thể sẽ không đủ 22 chặng (vì hiện đã hủy và hoãn đến 7 chặng) mà sẽ “co gọn” còn 17 - 18 chặng. BTC F1 hy vọng chặng F1 Azerbaijan - chặng 1 của mùa giải năm nay, diễn ra đúng ngày 7.6 nếu tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu và thế giới được kiểm soát. Nếu suôn sẻ, BTC sẽ bắt đầu từ đây để xếp lại lịch đấu.
Rất có thể, chặng F1 Hà Nội sẽ trở thành chặng áp chót của mùa F1 2020, trước chặng F1 Abu Dhabi vào trung tuần tháng 11. Hiện tại, vì chưa thể tiến hành chặng đua nên BTC F1 Hà Nội đang cho tạm tháo dỡ các khán đài di động ở đường Lê Quang Đạo để trả lại mặt bằng cho người dân Hà Nội (mỗi lần tiến hành F1, bộ phận nhân công sẽ lắp khán đài, đó là lý do mà các khán đài chỉ có các khớp nối chứ không dùng ốc vít, theo đúng quy định của khán đài F1 quốc tế). Khi nào có thông báo mới về ngày khởi tranh F1 Hà Nội 2020, các khán đài sẽ được lắp lại.
Theo Thanh niên