Thị Trường, - 20/03/2012 02:42 PM
"Mọi người sinh ra đều bình đẳng, được học hành, có nhà ở và có xe hơi khi đất nước giàu lên...Tại sao lại hạn chế?", độc giả VnExpress phản biện về phí bảo trì đường bộ có hiệu lực từ 1/6 tới.

Phí bảo trì đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/6, sẽ cùng 6 loại phí khác đánh vào ôtô bên cạnh phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn. Ngoài ra còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm nếu đề xuất của Bộ Giao thông được thông qua.

Các loại phí mới xuất phát từ mục tiêu hạn chế xe cá nhân. Nhưng "Nhu cầu đi xe hơi là nhu cầu chính đáng khi xã hội phát triển, giống như "mọi người sinh ra đều bình đẳng, phải được học hành, có nhà ở và phải có xe hơi khi đất nước giàu..." theo nhận định của độc giả Nguyen Teo. Vì thế độc giả này đặt ra câu hỏi giống như băn khoăn của rất nhiều người: "Tại sao lại hạn chế xe cá nhân?".

Hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc, chủ yếu xảy ra tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, mọi chủ xe trên cả nước đều phải chịu các khoản phí như nhau. Đi ít hay đi nhiều đều đóng giống nhau. Điều này đã gây nên những lo lắng.

Phương tiện cá nhân bị hạn chế nhằm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Hoàng Thùy.

Nickname Nhất Nam cho biết: "Từ khi mua ôtô hai cái xe máy của nhà tôi để vậy, không đi hay rất ít đi, bây giờ vẫn phải đóng thuế... Xe tôi nặng có 900 kg (Kia Morning) nhưng cũng đóng bằng xe 2 tấn... Hàng ngày tôi đi trung bình khoảng 20 km nhưng vẫn đóng thuế như những xe chạy hàng trăm km. Nếu nhà nước chịu khó một chút phân loại xe ra, phân loại người tiêu dùng ra và đánh thuế vào nhiên liệu tiêu thụ cũng như sức công phá đường dựa vào trọng lượng là hay nhất. Đội ngũ nhân viên các Bộ toàn chuyên gia lại có máy vi tính giúp sức, làm ba cái việc này có gì là khó! Chỉ có điều họ không muốn làm để thu một cục cho dễ mà thôi. Còn đâu hai chữ "vì dân"...".

"Không dám mua ôtô nữa!" trước sự đe dọa của các loại phí và thuế là tâm lý chung của nhiều người. Theo độc giả tên Thanh: "Tôi định mua ôtô, nhưng kiểu này chắc không dám nữa. Vì mua về để không thôi cũng mất tiền rồi. Ôtô chỉ dành cho người thật nhiều tiền thôi. Dân mình ngày thu nhập tăng lên, mua ôtô thì phải mừng chứ. Sao lại hạn chế? Tắc đường ở Hà Nội thôi. Ở tỉnh tôi đâu có tắc đường mà áp dụng như vậy nhỉ? Đến bao giờ tôi mới được sử dụng ôtô đây? Thiết nghĩ nên áp dụng cho từng thành phố thôi. Không nên áp dụng đại trà".

Người sắp mua thì bỏ ý định. Còn người đã có xe cũng tính chuyện bán đi. "Luật đưa xuống thì phải theo, nhưng mong đánh cho sát. Tôi lỡ mua xe rồi, đang ở khu tập thể công ty nên đi rất ít, chủ yếu chạy về quê, không biết bị đánh thuế có cao không, để biết đường bán xe", là băn khoăn của độc giả Lưu Bảo Toàn.

Trước thực tế trên, với nhiều người, "xe hơi mãi chỉ là giấc mơ" như nickname Mr Ha nói: "Các khoản thuế mà người mua xe, sử dụng xe hơi phải chịu như hiện nay, thì không biết bao giờ, người có mức thu nhập trung bình ở nước ta mới có thể sở hữu một chiếc xe riêng cho mình. Chúng ta có rất nhiều điều lạ. Một trong những điều lạ là thu nhập bình quân của người Việt Nam thấp hơn người Mỹ tới hơn 20 bậc, trong khi đó một chiếc Camry đắt gấp 3 lần bên Mỹ, chi phí để sử dụng xe cũng gấp 2,5 lần, thật kỳ lạ, kỳ lạ...".

Thêm phí, "ma trận" thuế - phí ở Việt Nam càng trở nên rắc rối. Nhưng các vấn đề mà từ đó các loại phí ra đời có được giải quyết hay không thì thật khó trả lời.

"Thu phí có làm cho đường hết kẹt xe không? Đường có được mở rộng hay bảo trì đường tốt hơn không hay là tiều thu được đi về đâu hết?" (Hai) hay "Có thêm phí mới này thì Bộ GTVT có dẹp hết những trạm thu phí dọc đường không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không và dân còn khốn khổ!" (Trực Ngôn).

Không ít độc giả đề xuất với Bộ GTVT: "Tại sao không tìm giải pháp vĩ mô như mở đường, di dời một số cơ quan trường học, cơ quan như Bộ Giao thông, Sở giao thông... ra ngoại ô xem còn kẹt xe không? Và nếu thí điểm thu một đống phí như thế thì Bộ Giao thông có đảm bảo không còn ùn tắc không? Nếu còn ùn tắc thì xử lý ra sao?" (Nguyen Teo).

Có cả những ý kiến từ kinh nghiệm của nước ngoài: "Theo ý kiến cá nhân tôi thì Việt Nam nên áp dụng chung các phí trên vào một loại phí là người dân sẽ không kêu ca, không phàn nàn. Ví dụ ở Đức họ tăng phí xăng dầu thay vì thu phí đường bộ. Hoặc ở Cộng hòa Séc tôi sống họ thu phí môi trường cho mỗi ôtô khi đưa vào sử dụng. Xe cũ từ nước ngoài nhập về thì phải trả phí cao hơn. Còn phí đường họ bán theo tuần, theo tháng, theo năm. Thay bằng mấy anh thu phí ngồi như Việt Nam đang làm.

Phí thu ở đô thị nên đặt hệ thống thu phí tự động. Vào khu đô thị lâu thì bạn trả nhiều tiền. Còn vào ngắn trả ít tiền. Trốn phí bị phạt 5 lần mức phí của 1 năm. Làm như vậy xã hội mình mới hiệu quả hơn, thực thi hơn!".

Tuy nhiên, không phải không có người ủng hộ cách làm của Bộ GTVT. Độc giả TranLong: "Theo quan điểm của tôi đánh thuế vào người sử dụng xe hơi là đúng. Đường sá Việt Nam còn chật, thu nhập của người dân còn nghèo. Thật sự xe hơi đối với người Việt là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho người có thu nhập cao. Chẳng lẽ việc tu sửa đường xá lại đặt lên vai một anh công nhân nghèo chạy xe máy, hay anh nông dân chạy xe đạp à? Thật sự xin lỗi các bạn, các bạn dành tiền tỷ ra mua xe hơi chạy mà tiếc mỗi tháng thêm vài triệu đồng để đống thuế cho nhà nước?".

Giấc mơ xe hơi vẫn ngày càng xa với người Việt Nam do chính sách thuế và phí. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Nhưng ý kiến này ngay lập tức bị "phản pháo". "Cho rằng xe hơi là mặt hàng xa xỉ, chỉ dành cho người có thu nhập cao? Có biết tại sao một chiếc xe hơi lại có giá cao như vậy? Tại sao một chiếc xe 25.000 USD mà người dân phải mua với giá 75.000 USD? Xe thường 10 ngàn USD về VN có giá 30.000 USD ? Bản thân chiếc xe hơi cũng chỉ là một phương tiện di chuyển thôi, giống xe máy nhưng nó an toàn hơn xe máy nhiều. Bạn có thấy một gia đình 3-4 người trên một chiếc xe máy mỗi buổi chiều đi làm về không? Nếu thay là một chiếc xe hơi thì như thế nào?

Chính phủ muốn giảm ùn tắc, trong các biện pháp có đề cập đến việc giãn dân, xây dựng các đô thị vệ tinh. Vậy tại sao lại hạn chế xe hơi? Liệu một gia đình có muốn bỏ tiền tỷ ra mua một căn nhà nhỏ xíu ở nội đô rồi hằng ngày hít khói bụi, mưa gió, lấy "thịt bọc sắt" để đi làm bằng xe máy hay họ có thể chấp nhận đi xa 30-40 km, bỏ vài trăm triệu mua căn nhà rộng rãi và hằng ngày có thể đi làm bằng xe hơi? Nếu là đi xe máy họ có muốn đi xa vậy không?", là bức xúc của Alibabon.

Đồng cảm nghĩ là độc giả Nguyen Huy: "Xe hơi (ôtô) không phải là mặt hàng xa xỉ nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như nữ trang, nước hoa... Ôtô là phương tiện giao thông, tất cả các quốc gia đều nghĩ như vậy. Mọi người được giáo dục tốt đều công nhận rằng xe gắn máy không thể lấy làm phương tiện giao thông đi cả trăm km vì sẽ không an toàn.

Hậu quả đã rõ ràng mỗi năm có hơn 10.000 người chết do tai nạn xe máy, cao hơn số người chết ở các nước nội chiến. Ai chịu trách nhiệm cho điều này? Làm thế nào để tạo điều kiện ra đường chỉ thấy ôtô, "An toàn là trên hết" đó là quy luật tất yếu. Xe gắn máy và xe đạp chỉ dùng đi trong đoạn đường ngắn. Ở nhiều quốc gia chỉ cần 3.000 USD là có ôtô "second hand" rồi, nhà nước tạo điều kiện cho vay để ai cũng mua được ôtô. Ở Việt Nam thì ngược lại. Thử hỏi số tiền thu được từ mọi loại thuế cao, phí cao dùng vào mục đích gì?".

Không chỉ rắc rối, sự xuất hiện của các loại phí mới còn khiến giá cả của hàng trăm mặt hàng và dịch vụ xã hội tăng theo. Độc giả Vu phản bác ý kiến đồng thuận: "Khi xe vận tải bị đánh thuế 1,4 triệu/ tháng thì họ sẽ tính phí vào hàng hóa cho các bạn sử dụng như thế nào không? Xe khách bị nộp phí họ sẽ nâng giá vé lên vậy quy cho cùng chỉ là dân đóng. Mà người dân đã nộp thuế thu nhập cá nhân, đủ loại thuế nay phải cõng thêm một đống phí do Bộ GTVT đề ra, lúc đó các bạn sẽ thấy nó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống chứ đừng có ngồi đó mà cười. Ra chợ mua bó rau sẽ với giá 20 ngàn".

"Taxi đóng phí thì giá taxi tăng. Người đi taxi trả phí chứ hãng xe có thiệt thòi gì đâu. Phương tiện vận chuyển hàng hóa đóng phí thì chi phí chuyên chở tăng nên giá hàng hóa tăng. Người tiêu dùng lại lãnh đủ chứ người chuyên chở và người buôn bán có lỗ lã gì đâu! Tóm lại, trăm dâu đổ đầu tằm. Ai ủng hộ thu phí ngồi đó mà cười đi. Nhà hàng xóm cháy cứ đứng xem và vỗ tay reo nhá! Tôi đi 2 bánh, nhưng thấy những người đi 2 bánh ủng hộ thu phí mà lo giùm", là phân tích của độc giả Hương.

Loại phí mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6, vì thế, chủ sở hữu xe ở Việt Nam vẫn phải đóng phí nếu muốn chạy xe ngoài đường, dù có băn khoăn, phản đối hay cảm thương như độc giả tên Đức: "Một phương tiện an toàn cho con người lại bị đánh thuế nặng như vậy. Như mới đây mọi người hẳn có đọc tin xe Air Blade tông vào ô tô biển xanh.

Ngồi ôtô thì hẳn không bị gì rồi, chỉ buồn cho người lái chiếc Air Blade, khoan hãy nói ai đúng, ai sai. Vậy giá trị cho tính mạng con người Việt Nam có giá thật! Bỏ ra nhiều tiền mới có sự an toàn và tiện lợi. Buồn cho số phận nghèo thôi".

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.