Phí trước bạ giảm một nửa khiến nhiều người dân đổ dồn về các phòng đăng ký xe ở thủ đô để làm thủ tục sang tên đổi chủ. Từ ngày 1/4 cho đến 12/4, tại nhiều phòng đăng ký xe luôn trong cảnh đông đúc, dòng người đứng ngồi, xếp hàng để chờ được đăng ký xe, cấp biển mới.
Theo số liệu của phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội đến ngày 11/4 tổng số phương tiện sang tên đổi chủ trên địa bàn thành phố tăng đột biến. Trong 10 ngày đầu tiên, có 2.910 trường hợp, gấp gần 4 lần so với trước 1/4. Trong đó số phương tiện sang tên trên địa bàn Hà Nội là 1.882 trường hợp; chuyển đến địa bàn Hà Nội là 252, chuyển đi là 776.
Lý do khiến các chủ phương tiện đăng ký đông vào thời điểm này theo giải thích của đội trưởng đội quản lý xe (Phòng CSGT TP.Hà Nội) là phí trước bạ đối với xe mua bán lần 2 giảm xuống chỉ còn 2%.
Ngoài ra nhiều người lo lắng từ ngày 15/4, Thông tư 11 của Bộ Công an có hiệu lực, khi đó lực lượng cảnh sát giao thông sẽ bắt đầu xử phạt xe không sang tên đổi chủ hoặc sang tên muộn so với quy định.
Cụ thể theo Nghị định 71 xe máy sẽ bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng (mức phạt trung bình một triệu đồng), ôtô bị phạt 6-10 triệu (mức phạt trung bình 8 triệu đồng). Tuy nhiên đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng CSGT Hà Nội cũng giải thích bắt đầu từ ngày 15/4 tới "CSGT không được dừng các phương tiện đang lưu thông trên đường khi không có dấu hiệu vi phạm để hỏi và xử lý với lỗi xe không chính chủ".
Việc xử lý phương tiện sang tên đổi chủ muộn chỉ thông qua công tác đăng ký, cấp biển số, điều tra giải quyết tai nạn giao thông. Qua điều tra các vụ án hình sự nếu phát hiện người mua hoặc bán quá 30 ngày làm giấy mua bán xe nhưng chưa sang tên...
Đại tá Thắng cũng nhấn mạnh, trong quá trình xử lý vi phạm, nếu người điểu khiển phương tiện xuất trình được đăng ký xe, giấy phép lái xe, cảnh sát chỉ xử phạt lỗi mà người vi phạm gặp phải như vượt đèn đỏ, đi sai làn... Còn những trường hợp vi phạm mà không xuất trình được các giấy tờ cần thiết chứng minh là xe của người nhà, xe đi mượn thì sẽ bị lập biên bản và giữ xe 10 ngày theo quy định.
Mười ngày qua, tại 3 điểm đăng ký xe của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM, lượng xe tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có 1.000 lượt xe đến đăng ký sang tên chính chủ.
Trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giảm lệ phí trước bạ ôtô đăng ký lần đầu từ 20% còn 15% và từ 12% xuống 2% cho xe cũ, nhiều chủ xe đã đến cơ quan thuế làm thủ tục sang tên. Các cửa hàng ôtô nhộn nhịp khách đến đặt mua xe, nhất là xe cũ.
Mặc dù Bộ GTVT chưa đồng ý với thời gian xử phạt xe không chính chủ nhưng đại diện Bộ Công an khẳng định vẫn thực hiện và ra Thông tư 11 để triển khai. Theo đó, từ 15-4 xe máy, ô tô mua bán không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt.
Dự kiến, từ ngày 1/7, xe không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 100.000 nghìn đồng đến 4 triệu đồng, còn hành vi đe dọa, lăng mạ, không chấp hành yêu cầu kiểm tra... của cảnh sát giao thông có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định mới của Chính phủ, từ 1/7 tới, chủ xe máy sẽ bị phạt từ 100 -400 nghìn đồng; chủ ô tô sẽ bị phạt từ 2 -8 triệu đồng nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ sau khi được mua bán tặng cho hoặc không nộp phí sử dụng đường bộ.