Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 7, cả nước đã nhập 16.061 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá trên 405 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Chiếm vị trí độc tôn vẫn là xe xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Riêng tuần qua (từ 27/7 đến 2/8) lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng mạnh với 1.935 chiếc với tổng trị giá 39,7 triệu USD. Đáng chú ý, ngoài Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, trong số gần 2.000 xe nhập về tuần qua, có 54 xe từ Ấn Độ, chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Xe nhập khẩu bắt đầu ồ ạt nhập về khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước không khỏi lo ngại. Theo dự báo của giới kinh doanh ô tô, rất có thể, sáng tháng 8 này, nhiều mẫu xe sẽ tăng giá. Nguyên nhân, bởi tỷ giá USD gần đây tăng cao so với VND.
Theo tính toán, USD cứ tăng thêm 500 đồng thì nhập khẩu một chiếc ô tô 10.000 USD, phải tốn thêm từ 8-9 triệu đồng. Việc này do đầu năm 2018, tỷ giá USD so với VND là 22.700 đồng, đến nay đã tăng lên trên 23.000 đồng, mức tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, hầu hết linh kiện lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu và sử dụng USD để thanh toán. Vì vậy, tỷ giá tăng đang làm tăng chi phí sản xuất và gây sức ép lên giá xe.
Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Cty ô tô Hyundai Thành Công cho biết, với giá USD hiện nay ở mức trên 23.000 đồng, giá ô tô sẽ phải điều chỉnh tăng mức 1,5%. Tuy nhiên, công ty vẫn quyết định chưa tăng giá lúc này vì sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ xe và chỉ số CPI.
Dù không công bố nguyên nhân nhưng một số mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã được điều chỉnh tăng giá, mức tăng khoảng từ 1-2%. Như Nissan Việt Nam đã điều chỉnh giá bán đối với hai dòng xe lắp trong nước là X-Trail và Sunny, tăng giá từ 10-23 triệu đồng kể từ ngày 16/7.
“Về nguyên tắc, bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng phải hạch toán dựa trên giá vốn. Khi giá vốn tăng, giá đầu ra của sản phẩm cũng sẽ tăng. Tỉ giá lại là một trong những yếu tố cấu thành giá đầu vào của sản phẩm. Việc tỉ giá USD biến động, tăng lên thời gian qua khiến không chỉ ô tô mà hàng loạt sản phẩm khác bị ảnh hưởng, điều chỉnh giá. Trong ngắn hạn, các hãng chủ yếu nghe ngóng, theo dõi diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, với xu hướng tỉ giá tiếp tục tăng lên, kéo dài chắc chắn các hãng sẽ phải điều chỉnh tăng giá ô tô lên”, ông Đức phân tích.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA, cho rằng với đà này sớm hay muộn các hãng sẽ phải điều chỉnh tăng giá ô tô. “Linh kiện cũng nhập khẩu, xe cũng nhập, hầu hết đều lệ thuộc vào USD. Do đó, tùy sức chịu đựng, sức cạnh tranh mà các hãng sẽ có sự điều chỉnh thích hợp. Tất nhiên, việc tăng giá sẽ diễn ra chủ yếu với các mẫu xe có lợi thế cạnh tranh, còn xe đang ế ẩm doanh nghiệp sẽ không thể tăng hơn”, ông Tuấn phân tích.
Trên cơ sở đó, ông Tuấn dự báo, xe nhập khẩu sẽ phải điều chỉnh tăng giá trước vì ảnh hưởng của tỉ giá USD nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành lại cho rằng, việc tỉ giá USD tăng chưa chắc đã khiến giá xe tăng lên, bởi các doanh nghiệp thường hợp đồng kỳ hạn với đối tác, có những tính toán, dự trù từ trước. “Chẳng hạn, tôi thỏa thuận mua 100 tấn gạo của anh, tỉ giá đã được chốt từ trước chứ không phải thời điểm giao gạo mới chốt”, ông Thành dẫn chứng.
Theo vị chuyên gia, tùy theo mức độ của thị trường, sự cạnh tranh giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp đang ở mức độ nào, mỗi bên sẽ có điều chỉnh tăng hoặc chịu thiệt giảm giá xuống để kích cầu mua sắm.
TS. Nguyễn Đức Thành dự báo thị trường ô tô sắp tới sẽ sôi động hơn, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, song họ chỉ có thể mua xe với giá hợp lý hơn chút chứ không thể có xe giá rẻ hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Các mẫu xe hybrid tại Indonesia sẽ bị áp thuế cao hơn, trong khi xe điện được ưu tiên chính sách để khuyến khích người dân sử dụng.
Thái Lan công bố một loạt ưu đãi cho ô tô điện, xe buýt, xe tải, xe máy và tàu thủy để thúc đẩy sản xuất xe điện (EV) và chuỗi cung ứng của nó.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục phó Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng Cục Hải quan- Bộ Tài Chính) cho biết, theo hiệp định FTA năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN giảm còn 0% nhưng giá ôtô tại thị trường trong nước đến nay vẫn không giảm.
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Lượng ôtô nhập khẩu đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, với hơn 16.600 xe, chủ yếu vẫn là từ các nước ASEAN… Tuy nhiên, giá xe tại thị trường Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực dù xe được miễn thuế nhập khẩu.