Tin xe, - 28/02/2018 09:28 PM
Nghị định 116 sau gần 4 tháng ra đời chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi.

 Trong buổi đối thoại giữa Văn phòng Chính phủ (VPCP) với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116, Thông tư 03, rất nhiều ý kiến trái chiều được nêu ra.

nghi-dinh-116-se-duoc-dinh-doat-nhu-the-nao

Ngoại than khổ, nội ủng hộ

Vấn đề được tranh luận nhiều nhất chính là việc cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Theo đó, Chủ tịch hiệp hội VAMA cho rằng: "Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ôtô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ôtô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ôtô", ông Toru Kinoshita cho hay.

Trong khi đó, ông Lâm Chí Quang, đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus phản ánh: "Vì lý do này, mấy tháng nay, xe Toyota Land Cruiser không thể nhập. Đề nghị bộ trưởng xem xét những nhu cầu nhỏ nhưng rất cần thiết cho nền kinh tế quốc dân”.

Tiếp tục vấn đề, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cho biết: "Hiện chúng tôi đang vướng một dòng xe nhập từ Mỹ về Việt Nam có gần 100 xe đặt hàng từ tháng 6, không huỷ được mà giờ không dám nhập về Việt Nam. Vì thời gian đi trên biển từ 60 - 70 ngày, hiện số xe này đang nằm ở một cảng của Mỹ, phải chi hơn 1.000 USD/ngày cho tiền kho bãi tại đây và chất lượng xe ngày càng giảm. Đề nghị Chính phủ cho Ford Việt Nam nhập lô xe này về theo quy định trước Nghị định 116, không phải thử nghiệm theo lô, tránh giảm thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Dũng đề xuất.

nghi-dinh-116-se-duoc-dinh-doat-nhu-the-nao

Phản đối những quan điểm trên, Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco Trường Hải cho rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại đã có từ năm 2006, không chỉ áp dụng riêng với xe nhập khẩu mà cho cả xe sản xuất trong nước. "Tôi mong các ngài nên rút lại đề nghị tạm hoãn thực thi Nghị định 116 vì làm như vậy là không công bằng giữa các DN tích cực tuân thủ và các DN ỷ lại rồi đưa ra các lý do để không thực hiện"

Đồng tình với ý kiến trên, Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công nói: "Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô. "Tôi nghĩ không nên hoãn việc thực thi Nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định".

Đâu mới thực sự là vấn đề?

Có vô vàn những ý kiến trái chiều về nghị định 116. Tuy nhiên, phải nói rằng, những vướng mắc từ nghị định đã cho thấy hệ quả rõ ràng. Lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc trong tháng đầu năm tại Việt Nam về mức thấp kỷ lục. Tính đến 15/2/2018, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc với trị giá 1,1 triệu USD. Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, cũng chỉ có 1 chiếc ôtô dưới 9 chỗ được nhập khẩu. 

nghi-dinh-116-se-duoc-dinh-doat-nhu-the-nao

Đặt vấn đề về việc ưu tiên giữa doanh nghiệp nội – ngoại, lãnh đạo của một hãng xe nhập khẩu cho rằng: "Chọn một bên ít về số lượng, nhưng đóng thuế một năm hàng nghìn tỷ và tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, hay một bên nhiều về số lượng, nhưng đóng thuế không bằng một phần nhỏ dù đã cộng dồn tất cả. Đây là chưa kể đến vấn đề gian lận thương mại hay làm thất thu thuế của nhà nước".

Trong tương lai, Bộ Công Thương cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe có quy mô công suất trên 50.000 xe một năm và các dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động. Đối với xe con, sẽ tập trung vào phát triển các dòng xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Nắm bắt được tình hình, Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách Việt Nam để thông báo về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ôtô với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. Dự kiến, nhà máy thứ hai sẽ có thể sản xuất từ giữa năm 2020 và giải quyết được việc làm cho khoảng 1.000 lao động.

Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải cũng mới khởi công nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD.

Trong cuối tuần này hoặc đầu tuần tới, Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành liên quan xem xét từng vấn đề, sau đó sẽ đề xuất với Thủ tướng những giải pháp điều chỉnh hợp lý để nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Mục tiêu đặt ra đối với tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô đến năm 2020 là xe đến 9 chỗ đạt 30 - 40%, xe từ 10 chỗ trở lên đạt 35 - 45% nội địa hóa, xe tải đạt từ 30 - 40%, còn xe chuyên dụng nội địa chiếm khoảng 25 - 35%. Đến năm 2035, xe đến 9 chỗ đạt 55 - 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt 75 - 80%, xe tải đạt 70 - 75%, xe chuyên dụng đạt 60 - 70%.

 

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.