Nhu cầu thấp
Ford Việt Nam là doanh nghiệp ô tô FDI đầu tiên chính thức tạm dừng sản xuất từ ngày 26/3 do ảnh hưởng của Covid-19. Tất cả lao động sẽ được nghỉ việc hoặc làm việc từ xa. Nhà máy chỉ duy trì các hoạt động thiết yếu như bảo dưỡng, an ninh. Việc tạm dừng sản xuất có thể kéo dài trong vài tuần và sẽ mở cửa trở lại tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh, lệnh hạn chế của Chính phủ cũng như tình trạng hoạt động của các nhà cung ứng linh kiện và nhu cầu của khách hàng.
Một số nguồn tin cho biết, Toyota Việt Nam cũng đang đối mặt với nguồn cung linh kiện bị gián đoạn. Doanh nghiệp này đã giảm sản xuất và chỉ có thể duy trì hoạt động thêm 2 tuần nữa. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguồn cung linh kiện thiếu, nhu cầu khách hàng xuống thấp, hãng cũng tính tới việc tạm dừng sản xuất.
Không chỉ Toyota Việt Nam, các doanh nghiệp ô tô FDI khác cũng trong tình trạng tương tự, nhất là những đơn vị phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp linh kiện từ châu Âu và Nhật Bản. Chỉ cần một nhà cung cấp linh kiện không đáp ứng được cũng ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp 100% vốn trong nước khác như TC Motor, Trường Hải thì khẳng định do dự báo được tình hình nên đã dự trữ một lượng lớn linh kiện, đảm bảo cho sản xuất không bị gián đoạn. Tuy nhiên, nếu người lao động tại nhà máy hay dân cư khu vực xung quanh bị nhiễm virus corona thì nguy cơ tạm ngừng sản xuất vài tuần cũng không thể tránh khỏi, do phải cách ly.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu về ô tô trong tháng 3 giảm mạnh, số lượng khách hàng đến các đại lý xem xe, ký hợp đồng mua rất thưa thớt. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, nhu cầu đi lại giảm,... nên nhiều khách hàng tạm dừng nhu cầu mua sắm ô tô.
Dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, năm 2020, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm 15%. Như vậy, với xe con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, năm 2019 đạt doanh số 360.000 chiếc, năm 2020 sẽ lùi về mốc 300.000 chiếc. Nhu cầu giảm dẫn đến sản xuất giảm và các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động.
Với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải, xe khách được cho là còn khó khăn hơn do nhu cầu đi du lịch và vận tải hàng hóa giảm mạnh khiến cho nhu cầu về xe cũng giảm theo. Nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động do thiếu linh kiện và không có đầu ra. Nhu cầu mua xe giảm mạnh, không ít doanh nghiệp xe tải bất an khi cận kề nguy cơ phá sản.
Giá ô tô có giảm?
Trước tình hình này, VAMA đã có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng. VAMA cho rằng, nếu được thông qua, kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số ô tô toàn thị trường, trước tương lai ảm đạm vì dịch bệnh.
Nếu được chấp thuận, việc giảm thuế như đề xuất, sẽ giúp giảm chi phí cho khách hàng mua ô tô các loại.
Ví dụ, một mẫu xe hạng B có giá bán 605 triệu đồng (đã có thuế GTGT) tại Hà Nội, khách hàng mua và đi đăng ký sẽ phải chịu lệ phí trước bạ thêm 73 triệu đồng, tức 678 triệu đồng, chưa tính phí cấp biển. Nếu được giảm 50% thuế GTGT, tương ứng với 27,5 triệu đồng; sau đó lại được giảm 50% lệ phí trước bạ, tương ứng với gần 37 triệu đồng, như vậy tính ra khách hàng sẽ được giảm gần 65 triệu đồng - tương đương 10% số tiền bỏ ra. Với những xe sang, có giá trị lên tới hàng tỷ đồng thì mức giảm lớn hơn và khách hàng được hưởng lợi.
Trên thực tế, vào năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, Chính phủ đã hỗ trợ ngành ô tô bằng cách giảm 50% thuế GTGT và lệ phí trước bạ. Cùng với đó, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay mua ô tô xuống, đã giúp doanh số bán ô tô đạt con số 120.000 xe, tăng 6,7% so với 2008, sản xuất không bị rơi vào ngừng trệ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn còn ý kiến tranh cãi về đề xuất hỗ trợ nêu trên. Những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cho rằng, nếu giảm thuế phí cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc thì Thái Lan, Indonesia cũng được hưởng lợi. Do đó, chỉ nên hỗ trợ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ giảm thuế phí cho xe sản xuất lắp ráp trong nước lại vi phạm cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, về đối xử không công bằng. Vì vậy, đề xuất trên chưa rõ có được chấp thuận không.
Hiện một số quốc gia cũng quyết định hỗ trợ ngành ô tô. Mới đây, Hàn Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính và hậu cần để ngành ô tô nước này vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Chủ trương này nằm trong gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 50 nghìn tỷ won (tương đương 39 tỷ USD) mà Chính phủ Hàn Quốc công bố hồi tuần trước nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Ngành chế tạo ô tô đang cung cấp việc làm cho 12% người trong độ tuổi lao động tại nước này.
Theo Vietnamnet
Nhà máy sản xuất xe của Hyundai tại khu vực tây nam Trung Quốc mới đây đã phải tạm dùng dừng hoạt động do tình hình doanh số hẩm hiu của thương hiệu này tại thị trường tỷ dân.
Một trong những nhà máy sản xuất ôtô còn lại của General Motors đã phải dừng hoạt động vì thiếu linh kiện điện tử.
Trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, Ấn Độ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ cuối tháng 3, kéo theo đó là hàng loạt nhà máy, showroom phải đóng cửa.
Dẫn đầu bởi Mỹ, doanh số bán xe toàn cầu dự kiến giảm 22% do các nhà máy phải đóng cửa, người tiêu dùng cách ly tại nhà.
Theo thông tin mới nhất, Kia đã gửi thông báo đến công đoàn Hàn Quốc về việc hãng này muốn tạm đóng cửa 3 nhà máy.