Thị Trường, - 11/07/2018 01:03 AM
Công an TP.HCM vừa đề xuất Sở GTVT về việc giảm tốc độ 10 đường thường xảy ra tai nạn. Tuổi Trẻ giới thiệu một ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

Mặc dù không phải giờ cao điểm nhưng có rất nhiều xe máy đi vào làn đường ôtô trên đường Phạm Văn Đồng chiều 9-7 - Ảnh: Hoàng Đông

Theo chúng tôi, tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân, tốc độ chỉ là một phần.

Bất ổn: không chỉ chuyện tốc độ

Chẳng hạn, ở đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua vòng xoay Nguyễn Kiệm đến nút giao với đường Linh Đông), một trong 10 đường được đề xuất giảm tốc độ đối với ôtô và xe tải.

Giao thông ở đường này có nhiều bất ổn: xe máy chạy lấn sang làn ôtô rất phổ biến, nhất là ở giờ cho phép xe máy chạy một làn trong cùng bên phải (6h-8h và 16h-19h). 

Nhiều chỗ còn phân luồng chưa hợp lý dẫn đến các phương tiện lưu thông cắt kéo lẫn nhau (đặc biệt là ở cầu vượt Bình Triệu), rất dễ xảy ra va chạm. Tín hiệu đèn ở một số nút giao thông chưa hợp lý, thiếu "độ trễ" để các luồng xe xen nhau không bị tắc ở giữa đường.

Ở hai làn xe máy (có dải phân cách) nhiều khi có cả ôtô khiến mật độ lưu thông quá dày, dẫn đến tâm lý xe máy "lén" chạy ra làn đường ôtô. Làn trong cùng bên phải thường đọng nước sau mưa lớn nên nhiều xe máy chạy ở làn này phải chạy sang làn ôtô. Xe máy chạy quá tốc độ cho phép (50km/h) khá phổ biến. Một số xe tải "tranh thủ" chạy hơn tốc độ cho phép là 70km/h...

Cần phải xem xét toàn bộ các yếu tố bất ổn đó, trong đó đáng chú ý nhất là việc phân tuyến chưa hợp lý và việc để xe máy chạy vào làn ôtô. Trong trường hợp này, đề xuất giảm tốc độ đối với ôtô con ít nhất 10km/h (so với hiện nay) là không hợp lý, bởi đây là yếu tố rất nhỏ có thể ảnh hưởng đến tình trạng giao thông và chưa hẳn là yếu tố gây mất an toàn giao thông.

Tương tự với các tuyến khác, cũng cần rà soát toàn bộ các yếu tố để có đánh giá phù hợp. Trong đó, những yếu tố nào cần ưu tiên giải quyết thì tập trung giải quyết, chứ không phải chỉ quan tâm vấn đề tốc độ.

5 giải pháp giảm tai nạn

Những giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông ở một số tuyến đường, nhất là với các tuyến có đề xuất giảm tốc độ, như sau:

- Phân luồng hợp lý: cần tính kỹ theo lưu lượng xe, có dải phân cách hay không, có hạn chế theo giờ hay không, số làn cụ thể cho từng loại xe như thế nào... Ở đường Phạm Văn Đồng, nhiều đoạn chỉ có hai làn cho xe máy là chưa đủ. 

Đường đã lắp dải phân cách cứng, giờ lại cho xe máy chạy qua làn ôtô một số khung giờ làm việc lưu thông trở nên thiếu trật tự. Đề nghị cải tạo lại dải phân cách và không cho lưu thông trộn như hiện nay.

- Lắp đặt các đèn tín hiệu hợp lý, nhất là với những đường có hơn 4 dòng xe lưu thông. Với những đường lớn, đèn nên có "độ trễ" (chẳng hạn, chiều A đèn đỏ thì chiều B cắt ngang vẫn còn đèn vàng thêm ít nhất 3 giây rồi mới chuyển xanh...). Phải bảo đảm đèn hoạt động liên tục và có thể điều chỉnh chút ít về thời gian cho phù hợp từng khung giờ để hạn chế việc vi phạm của người tham gia giao thông.

- Xử lý nghiêm các trường hợp lấn tuyến, sai làn, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... Quy định giảm tốc độ nhưng không xử nghiêm các vụ chạy quá tốc độ cũng không cải thiện được tình hình. Nhiều xe máy chạy vào làn ôtô với tốc độ thậm chí còn cao hơn tốc độ ôtô, nhưng gần như chỉ bị xử lý về sai làn (nếu có), ít khi bị xử lý về tốc độ.

- Cải tạo các tuyến đường (tránh tình trạng đọng nước, ổ gà hoặc các điểm gồ ghề...) để giao thông thuận lợi hơn.

- Lắp biển báo ở nơi dễ nhìn và dễ nhận biết, tránh các biển khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm... Thường xuyên cải tạo mảng cây xanh trên đường, tránh để che khuất tầm nhìn hoặc gây cản trở cho người tham gia giao thông...

Tốc độ nào là hợp lý phải tùy từng tuyến đường, tùy vào mật độ lưu thông và tình trạng kiểm soát, quản lý của các lực lượng chức năng. Do đó, cần cân nhắc việc giảm tốc độ với một số tuyến đường khi không làm rõ vấn đề mất an toàn là do đâu, cũng như chưa quyết liệt khắc phục các bất cập khác thay vì quy cho yếu tố tốc độ.

Sẽ xem xét kỹ trước khi điều chỉnh tốc độ

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sở đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị kiểm tra lại mật độ xe cộ lưu thông, rà soát số vụ tai nạn giao thông thời gian qua. Căn cứ vào đó sở mới đưa ra đề xuất cụ thể sẽ tăng giảm tốc độ cho phép trên từng đoạn đường.

Việc điều chỉnh lại tốc độ cho phép là thực sự cần thiết, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Việc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đề xuất giảm tốc độ trên 10 tuyến đường là dữ liệu để các đơn vị tham khảo. Các đường lớn như Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội... cần được xem xét kỹ, điều chỉnh hợp lý để không ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Tuổi trẻ

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.