Hàng loạt đơn hàng bị hủy
Diễn đàn VBF giữa kỳ 2018 tập trung vào chủ đề: “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung”.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách trong thực thi pháp luật và chuẩn bị tổng kết 30 năm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Diễn đàn VBF là cơ hội thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn đợt này, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng điều họ quan tâm hơn cả vẫn là thúc đẩy hơn nữa các kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh; cũng như cần một môi trường an toàn, chi phí hợp lý hơn nữa để thúc đẩy phát triển...
Đáng chú ý, mặt hàng ôtô và xe máy có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, được nhiều hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm.
Theo ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ô tô và Xe máy, quy mô thị trường và sự tăng tưởng ổn định là chìa khóa để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp hướng tới một nền công nghiệp ô tô đủ mạnh và có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ hiện nay đang tác động làm cho thị trường ô tô Việt Nam bất ổn.
Vị trưởng nhóm công tác này dẫn chứng, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu (xe CBU) của các nước phát triển (ví dụ: Nhật Bản, châu Âu...) trong 6 tháng qua. “Hàng loạt đơn hàng xe ô tô nhập khẩu (NK) cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng ngàn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe”, ông Toru Kinoshita cho hay.
Trên cơ sở đó, Nhóm công tác Ô tô và Xe máy tiếp tục kiến nghị các vấn đề liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô của nước ngoài (VTA) và yêu cầu kiểm nghiệm đối với từng lô xe NK.
Nhóm này cho rằng, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các công ty sản xuất xe của Việt Nam, khiến họ không có đủ thời gian để kịp chuẩn bị.
“Để tránh tình trạng tắc nghẽn lưu trữ, tình hình tài chính khó khăn của các nhà NK và đại lý nhằm tránh các phát sinh về chi phí xã hội và tài chính, chúng tôi đề xuất tất cả các xe CBU đã cập cảng Việt Nam từ 1/1/2018 đến 30/6/2018 được coi là “trên đường” và được miễn không áp dụng các quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ VTA của nước ngoài đối với xe CBU”.
Theo thống kê của Nhóm công tác Ô tô và Xe máy, trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có 1 lô hàng được nhập tại cảng TP. HCM và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn đã kéo dài tới 3 tuần. Trong thời gian sắp tới, khi số lượng xe NK tăng lên (từ Thái Lan và Indonesia), thời gian chờ thử nghiệm này có thể còn kéo dài hơn.
Riêng với xe NK có nguồn gốc châu Âu, thống kê của nhóm này cho thấy, không có xe nào được nhập về Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4/2018. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lo ngại Nghị định 116 và Thông tư 03, có yêu cầu về thử nghiệm với từng lô xe NK trái ngược hoàn toàn cam kết giữa EU và Việt Nam trong Cam kết tự do thương mại Việt Nam - Châu ÂU (EVFTA) về việc chấp nhận chứng nhận ECE đối với xe NK, phụ tùng và linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.
Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát
“Thực tế cho thấy, việc thiếu nguồn cung xe từ đầu 2018 đến nay đang xảy ra tình trạng bất ổn cho không chỉ xe CBU mà còn cả việc kinh doanh xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD), điều đó dẫn đến việc khách hàng phải chờ lâu hơn để có xe. Chúng tôi lo ngại khi việc kinh doanh CBU và CKD – thường được gọi là hàn thử biểu của sự phát triển công nghiệp và thương mại của đất nước – hiện đang giảm tổng cộng 31% kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực (theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam – VAMA)”, báo cáo của Nhóm công tác Ô tô và Xe máy.
Trên cơ sở đó, nhóm này khẩn thiết đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên, chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định của năm ngoái, mà không cần thử nghiệm lại.
EuroCham đề xuất thử nghiệm đăng kiểm nên giới hạn thực hiện ở lô đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo. Hiệu lực thử nghiệm của các mẫu xe CBU phải tương đối với hiệu lực thử nghiệm của các xe CKD (18-36 tháng) nhằm tuân thủ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATTT). Thay vào đó, chứng nhận nên có hiệu lực ít nhất 6 tháng. Yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận.
Ngoài ra, nhóm công tác này cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Công thương không áp dụng hồi tố yêu cầu phải có đường thử xe chiều dài tối thiểu 800m, tối thiểu 400m đường thẳng trước ngày 17/4/2019. “Tất cả các nhà sản xuất hiện tại phải tuân thủ các quy định kỹ thuật của Việt Nam trước khi họ được phép bán xe cho khách hàng. Do đó, chúng tôi tin rằng họ vẫn có thể tiếp tục tuân thủ các quy định của Chính phủ mà không phải có đường thử mới”, Nhóm công tác Ô tô và Xe máy lý giải.
Ngoài ra, Nhóm công tác Ô tô và Xe máy cũng kiến nghị hỗ trợ cho xe CKD để giảm chi phí sản xuất của các nhà sản xuất và nhà cung cấp, phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến, kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô tại Việt Nam.
Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, khuyến khích sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng... trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cam kết hội nhập. Ông yêu cầu các bộ, ngành khi tham mưu xây dựng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc này.
Vì thế để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 về quản lý chất lượng ôtô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ôtô theo quy định mới.
"Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với Bộ Giao thông Vận tải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hoá của ôtô nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi theo cam kết về thuế.
Theo Tiền phong
Đó là nhận định của lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - nhà phân phối ôtô lớn nhất cả nước với 11,9% thị phần - đưa ra tại phiên họp thường niên ngày 28/4.
Nhu cầu tăng cao kèm với nguồn cung hạn chế khiến một số mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng và tăng giá bán thực tế.
Sau thời gian dài ảm đạm, thị trường ôtô Việt Nam ngược dòng tăng trưởng mạnh vào đầu quý IV với hàng loạt dòng xe có doanh số vượt xa các tháng trước.
Nhiều khách đề nghị đại lý tạm ngưng xuất hóa đơn, đợi đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng. Với việc chờ đời thêm vài ngày, số tiền mà khách hàng tiết kiệm từ chính sách giảm phí trước bạ dao động từ hơn 20 triệu đồng và lên đến hơn 100 triệu đồng cho những mẫu xe cao cấp.
Theo nghiên cứu, kể từ năm 2026, chi phí sản xuất xe điện và các xe thể thao đa dụng sẽ rẻ hơn so với các xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống.