Thị Trường, - 30/04/2013 05:07 PM
Những ngày gần đây dư luận trong nước chợt “nóng” lên trước thông tin Bộ Công thương đang lập đề án giảm giá mạnh dòng xe ôtô cá nhân trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy thông tin trên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bộ, ngành liên quan nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó chưa phải là giải pháp tốt, nếu không muốn nói thiếu tầm nhìn chiến lược.

Theo đó, để thực hiện, chính sách thuế sẽ được giảm theo ba hướng sau: một là giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với dòng xe có dung tích dưới 2.0 sản xuất, lắp ráp trong nước; hai là giảm 50%, ba là giảm 70% các dòng xe chiến lược. Bên cạnh chính sách giảm thuế, đề án quyết định chọn dòng xe tải và xe 5 chỗ trở xuống là hai phân khúc chủ đạo cho định hướng phát triển công nghiệp ôtô. Như thế, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào đó để dự báo, tính toán và hoạch định các vấn đề cơ bản, hy vọng tạo dựng một thị trường đủ lớn từ đó kéo theo sự phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ dựa trên sự hợp tác với các hãng xe lớn, từng bước hòa nhập vào ngành sản xuất ô tô thế giới. Còn lại các dòng xe khác sẽ được nâng cấp công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích tăng cường nội địa hóa.

Đặc biệt, đề án lần này đề cập đến tính ổn định lâu dài, không có sự thay đổi chính sách như trước kia nhằm tạo sự an tâm đồng thời hy vọng “giữ chân” được các nhà đầu tư đang có mặt ở Việt Nam, tạo lòng tin với các nhà đầu tư ngoại khác đối với thị trường ôtô Việt Nam thời gian tới. Với những phương án trên, về lý thuyết cho thấy mặc dù chỉ mới ở giai đoạn dự thảo (vì phải còn chỉnh sửa thêm để phù hợp với việc đưa công nghiệp ôtô vào một trong sáu ngành chiến lược trong nội dung hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Nhật Bản, trình Chính phủ xem xét sắp tới - PV) nhưng đây sẽ là bước đột phá lớn đối với ngành công nghiệp ôtô nước nhà nếu đề án được Chính phủ phê duyệt. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm, dòng xe ôtô 5 chỗ ngồi trong nước sẽ giảm từ 50 - 120 triệu đồng/chiếc. Cộng với chính sách giảm thuế từ 50-60 triệu đồng, tính ra mỗi sản phẩm khi xuất xưởng sẽ giảm khoảng 200 triệu.

Dù chính sách trên sẽ mang đến lợi ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi. Nhiều người cho rằng bấy lâu nay việc chúng ta đánh thuế quá nặng lên mặt hàng ôtô đã kìm hãm sự phát triển của ngành này. Cùng với chính sách thay đổi liên tục, không ổn định đã tạo cho các doanh nghiệp nước ngoài tâm lý bất an nên họ nhảy sang đầu tư ở các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaisia...

Mặt khác, nhiều điểm yếu của đề án này cũng đã được một số chuyên gia vạch rõ. Trong khi thế giới đang chọn dòng xe 7 chỗ hoặc bán tải làm chủ đạo thì chúng ta lại chọn loại 5 chỗ. Với chiều dài, trọng lượng, mức tiêu hao năng lượng gần bằng nhau, vậy dòng xe ôtô cá nhân 5 chỗ có giải quyết được nhu cầu vận tải lẫn giao thông? Với việc xác định dòng xe chiến lược để từ đó tập trung sản xuất linh kiện phụ trợ, liệu điều đó có khả thi, nhất là phải cần đến 3-4 năm mới hoàn thiện dây chuyền sản xuất? Cách đây hơn chục năm, các nhà máy Honda, Toyota, Ford... đóng tại Thái Lan, Indonesia đã đẩy mạnh đầu tư, nội địa hóa sản phẩm; chỉ cần chờ hàng rào thuế quan Khu vực tự do Mậu dịch ASEAN (AFTA) được dỡ bỏ, họ sẽ xuất khẩu ôtô cho toàn khu vực, như vậy liệu chúng ta có trở tay kịp với đề án chọn dòng xe chiến lược để sản xuất ở thời điểm hiện nay? Đó là chưa nói đến tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng từ giao thông đô thị đến nông thôn, liệu nhà nước có theo kịp để duy tu, sửa chữa, mở rộng đường sá, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi ngành công nghiệp ôtô bùng nổ? Một ý kiến khác lo ngại rằng với việc bùng nổ ôtô cá nhân, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số thành phố lớn khác sẽ trở thành nỗi ám ảnh kẹt xe liên hoàn, điều này đi ngược lại với kế hoạch giảm tải tai nạn, chống ùn tắc giao thông...

Như vậy, dù muốn dù không, ngành công nghiệp ôtô của chúng ta đã đi thụt lùi, không đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra trước đó hàng chục năm mà nguyên nhân là do chính cách điều hành cục bộ. Kết quả của “tầm nhìn” bảo hộ đã dẫn đến hậu quả tất yếu. Chỉ vì quá bảo hộ các nhà sản xuất, để họ tự tung tự tác trên thị trường về giá mà chúng ta đã đẩy phần thiệt thòi về phía người tiêu dùng khi phải chịu cảnh mua ôtô với giá “cắt cổ”. Phân tích vấn đề trên để thấy việc làm rõ vai trò của nhà điều hành trong thời gian qua là cần thiết, có hay không việc điều hành nền kinh tế theo kiểu lợi ích nhóm?

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.