Tin xe, - 10/10/2019 11:32 PM
Trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 01/2016, Bộ Công an đề nghị CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp. Nhưng nếu xét kỹ, đề xuất này không có nhiều thay đổi và những quy định mới vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Chuyện dừng xe… Không có nhiều thay đổi!

Cụ thể, Theo khoản 1 Điều 9 dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA, quy định CSGT sẽ chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 5 trường hợp như hiện nay, bao gồm:

Trường hợp 1: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Trường hợp 2: Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp 3: Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

Trường hợp 4: Tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Thực tế, trường hợp thứ hai ở thông tư mới đã được tóm gọn bởi hai trường hợp ở thông tư cũ. Nếu như ở thông tư cũ, cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt trong việc tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS (Tuần tra kiểm soát), xử lý vi phạm được quy định cụ thể bằng các chức danh như:  Cục trưởng Cục CSGT (C67) hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh … thì nay được gọi chung bằng “chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Tranh cãi vẫn nảy lửa 

Xưa nay, chuyện CSGT có quyền dừng xe người tham gia giao thông luôn là đề tài gây tranh cãi, chuyện dừng phương tiện của người đang tham gia giao thông khiến nhiều người cảm thấy bất tiện trong khi một bộ phận khác cho rằng đó là hành động hợp tác với người thi hành luật.

Anh Nam bày tỏ: “Tôi không vi phạm không thể bắt tôi phải dừng xe. Nếu dừng rồi thì cũng đi cho qua chuyện thôi, thời gian đâu đi khiếu nại, và liệu có ai bị xử lý không? Chỉ nên dừng xe khi biết chắc chắn người đó có lỗi, không phải cứ thích dừng ai thì dừng.”

Phản đối với ý kiến trên, Anh Thắng Vương Đại cho rằng: “Thế những người buôn ma túy, thuốc lắc hay mang vũ khí trên xe chỉ cần tuân thủ luật giao thông là được à. Nếu không vi phạm CSGT chỉ dừng không quá 5 phút là xong. Nếu bạn thấy phiền thì nên ở nhà.”

Đồng tình với quan điểm trên, Minh Quang cho rằng: “Đừng lúc nào cũng nghĩ về CSGT thiếu thiện cảm. Họ làm vì lợi ích chung của xã hội. Nếu không muốn bị dừng xe thì tốt nhất là nên đi bộ.”

Trong khi đó, bạn Hoàng phân tích: “Khi bạn bị CSGT dừng xe, và ngay lập tức yêu cầu xuất trình giấy tờ, thì bạn nên hỏi người ra hiệu lệnh dừng xe là bạn vi phạm lỗi gì. Nếu CSGT ko chỉ ra được thì không có quyền kiểm tra giấy tờ của bạn. Chỉ có 1 trường hợp ko cần phát hiện lỗi vi phạm mà vẫn đc quyền dừng xe, là thực hiện theo chuyên đề. Khi đó bạn nên yêu cầu được xem chuyên đề do trưởng công an cấp huyện trở lên kí.”

Cũng theo dự thảo mới, CSGT sẽ không chào đối với đối tượng có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, sử dụng rượu bia, chất kích thích khác.

Quy định này theo nhiều người là vẫn chưa ổn, vì chào thường là điều lệ của CSGT Việt Nam xưa nay, độc giả Nguyễn Khang bày tỏ: “Có người chẳng uống hoặc nhấp tí chút đã say, có người vài ba xị chưa sao, cho nên phải sử dụng máy đo nồng độ cồn để xác định mức độ xử lý! Vì vậy, việc chào hỏi vẫn phải nên thực hiện, sau đó xử lý theo luật!”.

Nhiều ý kiến cho rằng CSGT vẫn nên chào, đù đối tượng vi phạm là bất cứ ai. Nick name Nguyễn Sơn nói: “Chào là thể hiện " công an nhân dân", còn vi phạm điều khoản nào thì xử lý vi phạm đó!”.

Một điểm mới nữa trong dự thảo là quy định về việc người dân có quyền yêu cầu xem hình ảnh vi phạm. Dự thảo nêu rõ: “Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại chỗ; nếu chưa có hình ảnh, kết quả thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.”

Quy định khiến nhiều độc giả thắc mắc. Anh Hoan cho rằng: “Trang thiết bị cảnh sát giao thông đi làm là phải mang theo mà? Tại sao lại bắt người dân phải tới trụ sở trong khi công việc của các anh là phải chứng minh cho dân thấy hình ảnh tại chỗ?”

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.