Thị Trường, - 26/05/2018 08:59 PM
Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chính là chìa khóa cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Dù rất tiềm năng nhưng các doanh nghiệp CNHT ngành ô tô trong nước đang đối mặt nhiều khó khăn và mới chỉ trong giai đoạn đầu để phát triển.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và lĩnh vực ô tô xe máy nói riêng. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây diện, ắc quy… Trong khi đó, ngành công nghiệp vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng cục Công nghiệp nhận định: “Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô có vai trò quan trọng không chỉ đối với công nghiệp ô tô mà còn phản ánh năng lực nội sinh của nền kinh tế. Đây là một lĩnh vực sản xuất quan trọng làm tăng giá trị sản phẩm nội địa và tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp quốc gia.”

Thị trường công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển các sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Mặc dù là thị trường nhỏ, theo hợp đồng cung cấp hoặc xuất khẩu, quy mô chưa đáng kể so với các nước trong khu vực nhưng các doanh nghiệp lắp ráp ô tô đã xem xét và chú ý đến việc tìm kiếm doanh nghiệp cung cấp và đặt hàng đối với sản phẩm trong nước.

Nhìn nhận thực tế, Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, cho đến thời điểm hiện tại cả nước mới chỉ có 300 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trên tổng số 120.000 doanh nghiệp hỗ trợ cả nước, chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô như động cơ, hộp số… Chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện tô cung trên thị trường còn kém, chua đáp ứng được nhu cầu. Song song với đó, giá thành xuất xưởng các sản phẩm còn cao, sản phẩm chưa đa dạng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, chưa đủ sức chi phối thị trường trong nước.

Mức độ nội địa hóa sản phẩm còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng còn thấp so với tiềm năng.

Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VASI cho rằng, các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ phải có chiến lược dài hạn, tăng cường kết nối và chủ động trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời cắt giảm tối đa chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, ông Võ Quang Huê lạc quan cho rằng: “ Tập đoàn Vingroup nói chung và VinFast nói riêng luôn hướng đến việc phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhà cung cấp nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ đó góp phần xây dựng phát triển hệ thống các nhà sản xuất linh kiện ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm đóng góp cho xã hội.”

Mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện. Do đó, Vinfast nỗ lực kêu gọi nhà cung cấp có tiềm năng trong và ngoài nước cùng tham gia vào đề án công nghệ phụ trợ. Với định hướng cụ thể, VinFast tin rằng trong tương lai chuỗi cung ứng linh kiện và cụm linh kiện nhằm phục vụ cho sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phát triển, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Đại diện cho các doanh nghiệp ô tô phụ trợ tại Việt Nam, Ông Vũ Quang Tâm – Thành viên HĐQT Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) đề xuất một số ý kiến để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô. Đầu tiên, chính phủ phải có chương trình mở rộng thị trường ô tô vì đây là cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi đủ mạnh trong giai đoạn đầu để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ông cũng mong muốn các chính sách của chính phủ đưa ra cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ thời gian để các doanh nghiệp có định hướng đầu tư. Cuối cùng, cần có chương trình sản xuất trong nước các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su nhựa và chất dẻo không chỉ phục vụ cho ngành ô tô mà còn cho các ngành sản xuất khác.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.