Tuần trước, Bộ Công thương tổ chức buổi công bố Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây không phải lần đầu tiên một quy hoạch tổng thể, chiến lược quốc gia cho ngành công nghiệp ô tô được công bố tại Việt Nam nhưng lần này được chú ý hơn cả bởi chiến lược và quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ thay đổi thực sự bức tranh ngành công nghiệp ô tô nhiều tham vọng của nước nhà.
Bên trong nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai tại Indonesia, với các quy trình tự động hóa cao độ.
Năm 2002, Chính phủ đã phê duyệt lần đầu tiên một chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp ô tô với nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai nhà xưởng...cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Mục tiêu của chiến lược khi đó là đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010 và khuyến khích mọi thành thành phần kinh tế phát triển sản xuất phụ tùng ô tô.
Thế nhưng đến giờ, tức là 12 năm sau, nhắc tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, người ta vẫn chỉ nhớ tới những từ khóa "non trẻ", "lắp ráp" hay "nhập khẩu", tỷ lệ nội địa hóa thực tế đối với xe du lịch mới chỉ ở mức 7 - 10%.
Hiện nay Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có 19 thành viên, với sản lượng xe tiêu thụ đạt 66.159 xe trong 7 tháng đầu năm 2014, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán của toàn thị trường 7 tháng đầu năm đạt 78.000 xe. Dẫn đầu về thị phần là Thaco – Trường Hải, Toyota, Ford, Honda và GM Việt Nam.
Lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước chỉ bằng 1/3 lượng xe nhập khẩu. Hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ thực hiện chủ yếu 3 công đoạn chính là hàn, lắp ráp và tẩy rửa sơn. Ngành công nghiệp hỗ trợ - khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất ô tô thì chưa phát triển tương xứng đủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô nên việc nhập khẩu các bộ phận về lắp ráp là không thể tránh khỏi.
Việt Nam ở đâu trong công nghiệp ô tô toàn cầu?
Theo thống kê của Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất ô tô (OICA), năm 2013 Việt Nam đã xuất xưởng tổng cộng 40.902 xe ô tô, tương đương khoảng 0,04% lượng xe sản xuất trên toàn thế giới trong cùng năm. Số lượng xe sản xuất trong năm 2013 của 5 nước sản xuất ô tô hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc chiếm lần lượt 25%, 12%, 11%, 6,6% và 5,2% sản lượng toàn thế giới.
So với ngành công nghiệp ô tô hàng trăm năm tuổi của các nước phương Tây, rõ ràng Việt Nam mới chỉ là “đứa trẻ sơ sinh”. Chưa kể tới vị trí địa lý là nước láng giềng của công xưởng ô tô lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc, cũng như nằm trong khu vực vốn được xem là “sân sau” - thị trường tiêu thụ lớn của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Gần hơn, so với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á (Asean), quy mô sản xuất của ngành ô tô Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Theo một báo cáo đánh giá triển vọng thách thức và cơ hội cho các nhà cung cấp ngành công nghiệp ô tô Asean của IHS tháng 4/2012, Việt Nam có 33 công ty doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Trong khi tại Thái Lan, số doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 là 709 với 354 công ty của Thái Lan và 355 công ty có yếu tố nước ngoài. Số nhà cung cấp cấp 2, 3 và thấp hơn nữa của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan là hơn 1100 doanh nghiệp địa phương.
Số lượng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất ô tô của Malaysia và Indonesia cũng lớn hơn nhiều so với tại Việt Nam, tại Malaysia là khoảng 280 nhà cung cấp cấp 1, 200 nhà cung cấp cấp 2 và tại Indonesia thì có 166 nhà cung cấp cấp 1 cùng với 336 nhà cung cấp cấp 2.
Theo IHS, Thái Lan chỉ có 16 nhà sản xuất lắp ráp ô tô, Malaysia có 13 và Indonesia chỉ có 12 nhà sản xuất.
Đến 2018, theo quy định của Hiệp định khu vực thương mại tự do Asean – AFTA, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho xe hơi cũng như các nhà sản xuất Asean, đến khi đó doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải đương đầu với cạnh tranh từ những đối thủ ngoại tại khu vực thị trường chung dự kiến đạt tới 4,5 triệu xe vào năm 2020.
Một chiến lược mới đúng đắn hơn cho ngành ô tô Việt Nam
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược) vừa được phê duyệt đặt ra mục tiêu tới năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1,53 triệu chiếc. Đến 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, giai đoạn 2026 – 2035 sẽ đáp ứng trên 65% nhu cầu.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, hình thành một số trung tâm liên kết công nghiệp ô tô tập trung, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...
Chiến lược mới này tập trung nhiều hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô Việt Nam.
Từ câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể thấy vai trò của chiến lược đúng đắn và chuỗi cung ứng hoàn thiện quan trọng đến thế nào trong phát triển một ngành công nghiệp lắp ghép hàng ngàn thiết bị, linh kiện để có được một sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
Chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ của công nghiệp ô tô Hàn Quốc
Giống như Việt Nam, Hàn Quốc nằm giữa Nhật Bản của công nghệ cao, giá thành cao và Trung Quốc đang phát triển, chi phí thấp. Công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã lựa chọn vị trí cân bằng giữa chi phí và chất lượng.
Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô có một sự liên kết chặt chẽ có một không hai với các nhà cung cấp của mình. Trên cơ sở những hợp đồng dài hạn, các nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển một chiếc xe ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến...
Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đi đâu thì cũng kéo các nhà cung cấp của mình theo đó, bất kể trong hay ngoài nước. Các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng sẽ nằm cạnh các nhà máy sản xuất, lắp ráp. Như thế, doanh nghiệp cắt giảm được những chi phí không cần thiết và rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể.
Những năm 1960, giai đoạn đầu phát triển ngành ô tô, chính phủ Hàn Quốc chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào ngành khi hình thành một liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Chiến lược này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô Hàn Quốc như Huyndai, Kia, Deawoo… nhanh chóng trưởng thành, tiếp thu những công nghệ hiện đại của công nghiệp ô tô Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ.
Tương tự như Việt Nam với lợi thế nhân công rẻ, cạnh tranh ban đầu tới từ chi phí thấp, nhưng khi chi phí lao động tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Hàn Quốc buộc phải vượt qua những hạn chế nguồn lực của mình để tiếp tục cạnh tranh và lựa chọn là đầu tư phát triển công nghệ.
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã hưởng lợi không nhỏ từ những chương trình nghiên cứu phát triển khoa học, phát triển các công nghệ cốt lõi mang tính thương mại theo định hướng của Chính phủ Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã chọn 6 lĩnh vực công nghệ cốt lõi là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ môi trường, công nghệ vũ trụ, và công nghệ văn hóa cho phát triển tương lai và đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (2,3 tỷ euro) cho mỗi lĩnh vực trong 5 năm tới.
Trong suốt quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành của công nghiệp ô tô Hàn Quốc, Chính phủ nước này luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, đưa ra những hỗ trợ về chính sách, thậm chí là tài chính khi cần thiết, nhưng cũng chấp nhận những quy luật tất yếu của thị trường cạnh tranh khi chấp nhận những vụ thâu tóm, phá sản của các doanh nghiệp trong ngành.
Xe hơi "Made in Vietnam"
Ít người biết rằng chiếc xe hơi đầu tiên mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt tại Việt Nam xuất hiện từ năm 1970. La Dalat - chiếc xe do hãng xe Pháp Citroën sản xuất tại Sài Gòn khi đó có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40%.
Hãng xe Pháp đã nhập về Việt Nam những bộ phận chính của xe như động cơ, tay lái, giảm xóc, phanh... Các bộ phận như đèn, còi, ghế đệm, mui xe... được chế tạo tại Việt Nam.
Dòng xe La Dalat được người dân ưa chuộng bởi ít tốn xăng, sửa chữa và thay thế linh kiện dễ dàng. Citroën đã cho ra đời các kiểu xe La Dalat 4 chỗ, 2 chỗ ngồi với thùng hàng. Ước tính từ năm 1970 cho đến 30/4/1975, hơn 5.000 chiếc La Dalat đã được sản xuất, tương đương với hơn một ngàn chiếc mỗi năm.
Hơn bốn mươi năm sau, những chiếc xe hơi “Made in Vietnam” vẫn là mục tiêu mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam muốn vươn tới. Hy vọng, với chiến lược và quy hoạch mới được ban hành, người Việt Nam sẽ sớm được tự hào sử dụng những chiếc xe hàng Việt thật sự trong tương lai không xa.
Triển lãm thương mại quốc tế trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam - Automechanika Thành phố Hồ Chí Minh 2022 chính thức khai mạc sáng 29/6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Sau nỗ lực thâm nhập thị trường Ấn Độ bất thành, hãng xe đình đám của Mỹ là Tesla có vẻ như đang chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á khi đăng ký sản phẩm ở Thái Lan để phân phối chính hãng.
Gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan quản lý.
Automechanika Thành Phố Hồ Chí Minh là triển lãm chuyên ngành duy nhất về công nghiệp ô tô và các dịch vụ về hậu mãi ô tô, và là một phần của thương hiệu Automechanika toàn cầu.
Xuất khẩu ô tô, máy tính, linh kiện điện tử của Thái Lan đứng trước rủi ro sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký thỏa thuận EVFTA và EVIPA.