Thị Trường, - 21/02/2012 03:33 PM
Dưới tác động tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công tại khu vực, thị trường ô tô châu Âu đang tiếp tục ảm đạm trong giai đoạn đầu năm 2012. Nhiều hãng xe lớn như Renault, Fiat, PSA… đang vật lộn để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình ngay tại sân nhà.

Theo doanh số thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA),  trong tháng 1-2012 số xe đăng ký mới tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) giảm 7,1%, ở mức khoảng 1 triệu xe, đánh dấu sự suy giảm trong bốn tháng liên tiếp.

Sự suy giảm của thị trường ô tô châu Âu không chỉ diễn ra tại các nước đang gặp vấn đề về tài chính như Hy Lạp, Iceland... mà còn xảy ra tại các nước có nền kinh tế mạnh như Đức, Pháp, Ý...

Đức, thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu trong tháng 1 cũng chỉ duy trì mức tăng trưởng theo chiều ngang, với số xe được đăng ký là 210.195 chiếc - một con số thấp chưa từng có. Pháp với nền kinh tế và thị trường xe hơi lớn thứ hai EU có số đăng ký xe giảm đến 21% trong tháng 1, đánh dấu mức suy giảm lớn nhất trong trong nhiều năm qua. Trong khi đó, thị trường xe hơi lớn thứ 3 châu Âu, Italy cũng sụt giảm mạnh khi số xe đăng ký giảm 17%, thấp nhất từ năm 1985.

"Sự suy giảm thị trường xe hơi châu Âu là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế trì trệ, hoạt động không hiệu quả và chỉ tồn tại trên giấy tờ. Trong thời gian tới, các nhà chế tạo sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm kéo dài”, ông Sergio Marchionne, Giám đốc điều hành của Fiat giải thích nguyên nhân suy giảm trong một hội nghị vào đầu tháng 2 vừa qua.

Giám đốc điều hành Philippe Varin của PSA Peugeot Citroën dự đoán thị trường xe hơi châu Âu sẽ suy giảm 5% trong năm 2012, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp sụt giảm doanh số bán hàng ở khu vực châu Âu.

Các nhà chế tạo gặp khó tìm đầu ra tại thị trường châu Âu

Nạn thất nghiệp gia tăng khiến người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu hàng ngày. Vì thế, việc sắm một chiếc ô tô mới dường như rất xa xỉ. Thực tế này dẫn đến hoàn cảnh khó khăn đặc biệt cho các nhà chế tạo châu Âu khi phải đối diện với bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm của mình ngay trên sân nhà.

Trong tháng 1-2012, tập đoàn Renault chỉ bán được 82.724 xe giảm đến 25%. Trong đó thương hiệu xe chủ chốt Renault giảm 29%. Thương hiệu con giá rẻ Daica của hãng cũng giảm 7%.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với tập đoàn Fiat Group khi doanh số bán hàng giảm 16% chỉ đạt 69.479 xe trong tháng đầu tiên của năm. Thương hiệu chính là Fiat giảm 16%. Tuy nhiên những thương hiệu con của nhà chế tạo đến từ Italy lại tăng trưởng mạnh. Hai thương Lancia và Chrysler có doanh số bán hàng tăng 8%, còn thương hiệu Jeep đạt lượng bán xe kỷ lục tăng đến 58%.

Sự suy giảm doanh số bán không chỉ xảy ra với các thương hiệu xe của châu Âu. Nhà chế tạo Mỹ General Motors cũng đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ xe trên thị trường châu Âu. Theo ông Dan Akerson CEO của GM, tập đoàn “đã có một năm 2011 không thể chấp nhận được tại thị trường châu Âu”. Trong tháng 1-2012, GM chỉ bán được 73.376 xe, giảm 14%.  Thương hiệu chủ lực của GM tại thị trường châu Âu là Opel giảm mạnh đến 21%. Ford nhà chế tạo Mỹ thứ 2 nước Mỹ cũng có doanh số bán xe giảm 4% chỉ đạt 80.212 xe trong tháng 1 tại lục địa già.

Bên cạnh các nhà chế tạo đến từ Mỹ, các nhà sản xuất châu Á cũng gặp khó tại khu vực Eurozone. Trong tháng 1, thương hiệu Toyota bao gồm cả Lexus có doanh số bán hàng giảm 8%.

"Các nhà chế tạo châu Âu, đặc biệt đến từ Pháp và Ý do chỉ tập trung phát triển các mẫu xe nhỏ và tập trung vào thị trường châu Âu, trong khi việc phát triển các dòng xe trung và lớn, cùng việc mở rộng sang các thị trường khác lại không được chú trọng nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế của khu vực bị suy thoái", ông Ian Fletcher, nhà phân tích đến từ hãng nghiên cứu IHS Automotive giải thích lý do thất bại của các thương hiệu ô tô tại châu Âu ngay trên sân nhà.

Với GM, ông Ian Fletcher cho rằng các mẫu xe Opel đã quá già cỗi không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại, cần phải đưa ra các mẫu xe có thiết kế mới trong thời gian tới. Còn với Toyota ông Ian Fletcher giải thích, giá cao là một phần rào cản của Lexus tại thị trường châu Âu.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.